Độc đáo Lễ hội Hết Chá của người Thái tại “Ngôi nhà chung”

(LVH) - Lễ hội do đồng bào Thái đến từ bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thực hiện vào ngày 13/8/2017 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là lễ tạ ơn của những người được thầy cúng chữa cho khỏi bệnh, lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần sông, thần núi, thần thổ địa đã giúp cho con người sống ở trần gian duy trì được cuộc sống và cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để bà con dân tộc Thái thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Từ thời xa xưa, người dân tộc Thái nghèo khó, ốm đau không có thuốc thang chữa trị, cơ cực cam chịu sự khó khăn đôi khi chỉ hy vọng vào số phận. Nhưng với ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết đồng tâm cộng khổ trong khó khăn, ốm đau bệnh tật, ai biết lấy thuốc nam thì dùng cây thuốc nam để chữa trị, ai biết cúng thì cúng để giải tỏa về tinh thần. Khi đó thầy cúng (Mọ Mun) cúng chữa bệnh cho nhân dân, những người được thầy cúng cho khỏi bệnh thì được thầy cúng nhận làm con nuôi.

Theo phong tục, trước tết âm lịch, các con nuôi mang lễ đến tạ ơn thầy cúng. Nhưng vì công việc gần tết bận rộn, thầy cúng chưa tổ chức ăn tết sum họp các con nuôi được, phải qua tết mới tổ chức ăn tết, Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân, thời điểm nông nhàn, thông qua việc tổ chức Lễ hội Hết Chá, đó là dịp thầy cúng, các con nuôi và dân bản gặp gỡ nhau, cùng vui chơi.

 

 Các thầy cúng đang thực hiện nghi lễ trong nhà sàn

Mâm lễ được chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để thần linh, thổ địa chấp nhận thì việc tiến hành Lễ hội Hết Chá được thuận buồm xuôi gió. Lễ vật cúng gồm có 01 con ngan luộc, 01 con gà trống luộc, 01 con lợn luộc, xôi trắng, rượu, trứng, vải khít, vải bông địa phương, chén uống rượu, tiền mặt. Tất cả được bày trên mâm, mỗi mâm đặt 1 miếng vải địa phương vuông đổ lên trên miếng vải khoảng 03 kg gạo nếp và giữa mâm để hai bát con mới đầy gạo, 02 vòng tay bằng bạc trắng, 02 quả trứng gà mới đẻ, 02 cây nến bằng sáp ong; 10 cây nến con, 10 bông hoa bằng bông vải, được đặt vào bát xếp lên mâm, cạnh mâm đặt 01 chai rượu và 06 cái chén, dưới mâm để một chai rượu trắng, 01 cái đĩa và 04 cái chén để thầy cúng sử dụng khi làm lễ. 

 

 Đồng bào Thái trang trí cây nêu với nhiều loại động thực vật tượng trưng như chim, cá, thuyền bè

Lễ hội Hết Chá còn là ngày hội đoàn kết, gắn bó cộng đồng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện cuộc sống bình dị mà thanh bình của mọi người dân với thiên nhiên. Tất cả những điều đó được thể hiện trên cây nêu với nhiều loại động thực vật tượng trưng như chim, cá, thuyền bè... Thân cây nêu được làm bằng tre, các nhánh được làm bằng các thanh gỗ và nhiều que tre dùng để treo các mô hình con vật và công cụ lao động được làm rất công phu từ các chất liệu như: nhựa, gỗ, mây, tre, giấy, chỉ màu... Việc làm cây nêu không chỉ đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mẩn, khéo léo mà còn đòi hỏi nhiều yêu cầu như: thân cây phải to, thẳng và phải chọn ngày đẹp để lấy cây về.

“Hết Chá” không phải là cúng Chá mà gọi là “Khắp chá” tức là “Hát chá với giọng điệu riêng vui nhộn, lúc thì du dương sâu lắng rạo rực có đệm thêm sáo mo “Pí mun”, sáo được làm bằng ống nứa nhỏ, sáo ngang, lưỡi bằng bạc trắng khi thổi có giọng trầm bổng. Làn điệu “Hát chá” theo nhịp “Tắng bụ”, khác hẳn với cúng cơm mới hoặc làm vía. Thầy cúng hát chá gọi hồn con nuôi về nhà: Sau khi cúng trên nhà sàn xong đồng bào rước cây nêu “Sắng Chá” di chuyển xuống trước sân nhà sàn.

 

 Thầy cúng cùng trưởng làng, đồng bào Thái rước cây nêu “Sắng Chá” về trước sân nhà sàn 

Người Thái quan niệm mọi vật đều có linh hồn; Họ cho rằng việc ngự trị, quản lý, điều hành thế giới vạn vật là lực lượng siêu nhiên vô hình có mặt ở mọi nơi mọi lúc sẵn sàng can thiệp vào bất cứ việc gì của thế giới thiên nhiên, con người... Do vậy, người Thái có tục thờ cúng tổ tiên, tổ chức các lễ hội mong muốn các vị thần linh, tổ tiên trợ giúp cho cuộc sống con người khoẻ mạnh, sung túc, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt bội thu.

 

 Các thầy cúng thực hiện nghi lễ 

Vào ngày lễ, con nuôi ở khắp nơi bản trên mường dưới lần lượt đến tặng quà “Sống chướng liểng” nhân dịp Bố nuôi làm Hết Chá. Quà của con nuôi gồm có: Gạo, gà, cá nướng, gói xôi, quả trứng, rượu trắng….Ai có thứ gì thì mang thứ đó.

 

 Phị mốt (người bảo vệ lễ hội) cầm cây kiếm đi về phía cây nêu để kiểm tra xem còn thiếu thứ gì không

Thầy cúng hát lời mời tổ tiên. Hát xong, Phị mốt (người bảo vệ lễ hội) cầm cây kiếm đi về phía cây nêu để kiểm tra xem còn thiếu thứ gì không. Nếu thấy đã đủ thì các con nuôi mới được phép lần lượt lên tặng quà tỏ lòng biết ơn thầy. Sau đó, thầy cúng với nội dung thể hiện những khao khát của người dân về một cuộc sống hướng thiện, thanh bình và mong muốn có được cuộc sống đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; đồng thời phê phán những thói hư, tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống đời thường.

 Bố nuôi lúc này đang nhập hồn, ông nhận quà của con nuôi và lấy kiếm chọc vào gói quà và đưa lên tai để nghe ngóng xem có thực lòng quý bố nuôi không

Bố nuôi lúc này đang nhập hồn, ông cởi áo, đầu quàng khăn Mọ mun, ông nhận quà của con nuôi nào ông thử xem tấm lòng của con nuôi có thực lòng quý mình không, ông lấy kiếm chọc vào gói quà và đưa lên tai để nghe ngóng. Nếu ở nhà con nuôi nào nói xấu bố nuôi như thế nào thì thầy mo sẽ nói lại y như những lời mà con nuôi nói ở nhà, nhưng ông không nói tên ai mà để những người con đó tự suy nghĩ, con nuôi nào thực lòng yêu quý bố nuôi thì ông chỉ chọc vào gói quà và đưa lên môi nếm gật đầu cười khà khà, sau đó ông bắt đầu phán con nuôi câu:
“Khi ốm đau thì đến nhờ thầy
Khi khỏi bệnh thì vác nghểnh cổ đi qua
Buồn tủi mới đến nhờ bố mẹ nuôi”.

 

 Trò chơi tập trâu cày ruộng trong phần hội của đồng bào Thái

Cùng với phần Lễ, phần hội diễn ra sôi nổi, mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc Thái trong suốt quá trình dựng bản, dựng mường và xây dựng đời sống mới. Với nhiều hình ảnh được tái hiện vô cùng dí dỏm, sinh động như: một chuyến đi săn, một buổi lên nương, một buổi đi bắt cá, hay lên rừng lấy măng... và ấn tượng hơn cả là hình ảnh tập trâu cày ruộng, nhắc về nền văn minh lúa nước của dân tộc ta từ xa xưa với những kinh nghiệm hay trong sản xuất. Với những hoạt động này con người được hòa mình vào không khí vui tươi, tâm trạng thoải mái, quên đi những nhọc nhằn, vất vả, để thêm yêu lao động, yêu cuộc sống hơn.

 

 Đồng bào Thái cùng các cộng đồng dân tộc đang sinh hoạt tại "Làng" và du khách trong vòng xòe đoàn kết

 

 Đông đảo du khách tham dự Lễ hội Hết Chá của đồng bào Thái tại "Làng"

Lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái (Thái trắng) tỉnh Sơn La là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu nét phong tục tốt đẹp của người Thái tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Thái quảng bá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Phạm Hương