Tái hiện Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer tại “Làng”

(LVH) - Sáng 20/4, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2018, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đã tái hiện Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại không gian Quần thể chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết vào năm mới hay Lễ chịu tuổi được tổ chức hàng năm vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 nếu là năm nhuận thì tổ chức vào ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch. Tết Nguyên đán của người Khmer nhằm tháng Chét hoặc Pisak theo âm lịch Khmer là tháng hoàn tất công việc đồng áng, rảnh rỗi hơn các tháng khác trong năm và là tháng vui chơi, đi lại hỏi thăm nhau.

Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức trong vòng 3 ngày.

Ngày thứ nhất gọi là ngày chool sam cran thmây (tức ngày vào nhà mới). Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn, miễn là chọn giờ tốt theo quan niệm của người Khmer. Mọi người dân Khmer sửa soạn tắm rửa, sạch sẽ, mặc trang phục mới (trang phục truyền thống) mang nhang đèn lễ vật, đi đến chùa để dâng lễ các vị sư và được nghe các vị chúc tụng năm mới.

 

Người dân mang theo lễ vật: nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước thần phạm thiên Kapila.

Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người sắp xếp rước thần phạm thiên Kapila đi vòng quanh chính điện 3 vòng để làm lễ chào mừng năm mới, sau đó vào làm lễ bái Tam Bảo cùng các Chư Tăng tụng kinh Cầu an mừng năm mới trong Chánh điện chùa Khmer.

Ngày thứ hai gọi là ngày Thngay Von-boch. Thương phong tục truyền thống mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi. Theo đạo Phật Tiểu thừa, thì các ngày lễ đi chùa lậy Phật có bổn phận mang cơm và mang cho sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo rồi các nam nữ vui chơi trước sân chùa. Sau đó buổi chiều, tiến hành lễ đắp núi cát, gọi là Puôn-Phnum-Khsach. Người dân lấy cát đưa đến sân chùa và được làm sạch trước khi dâng cho các vị sư, theo chỉ dẫn của vị Acha, người dân đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và núi thứ chín ở trung tâm, biểu tượng cho trung tâm của vũ trụ và tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng. Tục đắp núi cát có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người nên tích phúc ngày một cao vời, lớn lao như núi và lan dần khắp bốn phương, tám hướng

Vị sư làm lễ tu núi cát vừa đắp

Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơnsăk (ngày thêm tuổi), ngày chính của Tết. Tương tự như hai ngày đầu, sau khi đã dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước ướp hương để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Đức Phật, chúc mừng cha mẹ ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn. Đồng thời cũng để rửa những điều không may mắn của năm cũ để sang năm mới được vạn sự như ý

Các hoạt động đón Tết Chôl Chnăm Thmây thể hiện được bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Qua đây, giới thiệu tới du khách nét đẹp lễ hội truyền thống, không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc Khmer (Nam Bộ) tại Quần thể chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, một công trình kiến trúc, văn hóa, tâm linh đặc sắc giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Ánh Ngọc