Tái hiện nghi lễ lẩu Then của người Tày tại “Làng”

(LVH) - Ngày 18/11, trong khuôn khổ các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019, các nghệ nhân dân tộc Tày đến từ Lạng Sơn đã tái hiện nghi lễ lẩu Then với nghi thức cầu an giải hạn, cầu lộc cầu sức khỏe, tài lộc của dân tộc Tày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

 

Đồng bào Tày thắp hương kính báo thần linh, tổ tiên

Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày ở miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian nên Then phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người Tày qua nhiều thế hệ. Đó là những mong muốn rất bình dị của người nông dân: có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà, cha mẹ trường thọ, gia đình hòa thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ

Trong những nghi thức, nghi lễ dân gian của cộng đồng người Tày ở Lạng Sơn diễn xướng Then là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây. Vào dịp đầu Xuân năm mới - Tết Âm lịch của người Tày thường mời thầy Then đến nhà làm lễ cầu an với mong muốn có một năm làm ăn suôn sẻ, mọi điều thuận lợi.

Chủ lễ và các đồng môn, đệ tử thực hiện nghi lễ

Trong ngày này chủ nhà sẽ mời cộng đồng bản làng, anh em đến giúp đỡ. Họ sẽ tổ chức gói bánh, chuẩn bị một số loại hoa quả lễ vật để thắp hương kính báo tổ tiên. Trong ngày này các thầy Then cũng thực hiện nghi lễ dâng các vật phẩm do gia chủ và dân làng đến góp chung với ý nghĩa mong ai cũng được bình an, sức khỏe, xua đuổi tà khí và những điều không may, cùng cầu mong có một mùa màng bội thu, tươi tốt.

Nghi thức dâng lễ

Thông thường, lễ Then được tiến hành trong 3 ngày và tùy theo khả năng và điều kiện của thày Then mà 3 năm thực hiện 1 lần và trước 7 hoặc 21 ngày làm Then, thầy Then phải ăn chay, giữ cơ thể sạch sẽ, tâm hồn thanh bạch để gặp thần linh.

Khi chuẩn bị tiến hành lễ, thầy Then phải thực hiện những quy định kiêng rất khắt khe như: không được đi qua dây phơi quần áo của phụ nữ, không ăn thịt trâu, bò, chó, mèo vì quan niệm những con vật này là bẩn thỉu, uế tạp,…

Nghi thức làm phép cho các lá bùa

Tiến trình thực hiện nghi lễ lẩu Then thể hiện qua các bước, trước hết Nhà Then tổ chức báo lễ: Đón rước các vị tướng tổ nghề Then xuống đàn lễ. Báo cáo thổ công thành hoàng và tổ tiên gia chủ xuống chứng kiến đàn lễ. Tiếp theo là kiểm Lễ: Nhà Then kiểm đếm các loại lễ vật được dùng trong buổi lễ. Dùng lời khấn dâng tiến lễ vật đến các cửa thần linh và tổ tiên.

Chủ lễ niệm thần chú cho các lá bùa

Kế tiếp là nộp Lễ: Công đoạn này thầy Then nộp lễ vật tiền giấy, quần áo giấy… sau đó tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh mong muốn mà thầy Then sẽ ban lời chúc bình an, cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe, xua đuổi tà khí. Thày Then và các đệ tử thực hành hành trình tiễn lễ lên các cung cửa từ tổ công, thành hoàng trong tưởng tượng với các đồ vật tượng trưng, họ sẽ phải vượt qua rừng vầu, tre, trúc đến nơi rừng già, săn hươu nai, mua trâu ở xứ lạ để tế ông Khuông ông Khắc, vượt qua biển cả, lên Mường trời tiễn lễ vật lên nhà tướng ở cung tiền, tiến hương hoa lên Phật tổ, Bồ tát, Tây Vương Mẫu, cuối cùng se đại trâm, đại kỳ lên thiên đình, vào cửa vua.

Nghi thức nhảy múa trong lẩu Then

Sau đó Nhà Then hát báo cáo trình buổi lễ đã hoan hỉ và múa chầu hầu thánh tướng mời mọi người cùng múa vui. Sau đó ban phát lộc cho gia chủ và dân làng cùng tham gia buổi lễ. Cuối cùng là hát đế hồi binh, hồi mã và kết thúc buổi lễ.

Nghi lễ diễn ra như một cuộc diễn xướng nghệ thuật tổng hợp,có múa, hát, trò diễn,… Với giai điệu Then, lúc trầm lúc bổng, khi trang nghiêm, khi rộn ràng, khi thanh tao, khi lâm li, thống thiết… cuốn hút người hát, người múa và cả du khách tham dự vào một thế giới ước lệ tưởng chừng không bao giờ dứt.

Chủ lễ ban lá bùa sức khỏe, bình an

Những nghi thức trên đã phản ánh được trong nó nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Tày, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong tâm lý người Việt Nam nói chung. Ở đó còn hội tụ những tài hoa nghệ thuật trong dân gian. Những thầy Then bằng công việc của mình đã góp phần đắc lực vào việc phổ biến và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn thông qua các hình thức biểu diễn như múa, diễn trò, nhập đồng... Đặc biệt người xem được thưởng thức vẻ đẹp tinh tế, sự phong phú và cuốn hút của các điệu múa dân gian Tày.

Chủ lễ ban lá bùa sức khỏe, bình an cho mọi người tham dự buổi Lễ

 Tái hiện nghi lễ lẩu Then là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của người Tày tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời đây là cơ hội để đồng bào Tày quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan "Làng".

Phạm Hương (Ảnh: Ánh Ngọc)