Cây nêu trong đời sống của người Cơ Tu

(LVH) - Với người Cơ Tu (tỉnh Thừa Thiên Huế), cây nêu (x’nur) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào nơi đây, cây nêu luôn là vật linh thiêng, mang ý nghĩa kết nối với tổ tiên, thần linh, cầu bình an, mưa thuận gió hòa...

Cây nêu được chạm khắc, trang trí bằng những hình vẽ, màu sắc được đồng bào Cơ Tu tái hiện 
tại Làng dân tộc Cơ Tu, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Đồng bào Cơ Tu thường gọi cây nêu là cột buộc trâu hiến tế mỗi khi tổ chức các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng…Cây nêu thường được trang trí khá cầu kỳ gồm nhiều chi tiết, hoa văn với 4 màu chủ đạo là: đen, trắng, đỏ, vàng, thể hiện nét văn hóa truyền thống và yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.

Cây nêu thường được dựng phía trước nhà Gươl ngay trung tâm của Làng. Đối với đồng bào Cơ Tu, cây nêu, cột lễ được xem như “lễ đài” chính của lễ hội, là nơi diễn ra các hoạt động trong lễ hội như đâm trâu, nhảy múa, khấn thần và nó còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân. Cây nêu, cột lễ cột đâm trâu của đồng bào Cơ Tu là những cây tre và cây thân gỗ được gia công trang trí, đặt tại nơi hành lễ, trước sân nhà làng.

Ngoài ý nghĩa tâm linh, cây nêu còn có vai trò là trung tâm của các lễ hội

Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, cây nêu, cột lễ còn có tác dụng như một điểm đánh dấu vị trí trọng tâm cho những người tham gia lễ hội. Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần Lúa (Yang Haro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa dá dá và giương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh. Cũng ngay giữa thân cột, đồng bào thường khắc chạm hình cái cối nằm đối xứng trên dưới. Đây là hình ảnh vừa mang biểu tượng của no ấm vừa mang ý nghĩa phồn thực. Trên đỉnh cột lễ là một đoạn tre được chẻ nhỏ tạo thành cái phễu ngửa lên trời, nơi chứa cái đuôi trâu hay con gà sống mà già làng ném lên trên sau khi kết thúc nghi thức hiến sinh (đâm trâu).

Kết thúc lễ hội, các chàng trai, cô gái Cơ Tu trong trang phục truyền thống tập trung quanh cây nêu nhảy tung tung da dá

Khi kết thúc lễ hội, người Cơ Tu tập trung quanh cây nêu, cùng uống rượu cần, thưởng thức món ăn truyền thống và tham gia điệu nhảy tung tung da dá trong tiếng cồng chiêng rộn ràng của các nghệ nhân.

Phạm Hương