Độc đáo đàn Chapi của dân tộc Raglai
(LVH) - “Giấc mơ Chapi”, cây đàn Chapi độc đáo của dân tộc Raglai đã được đồng bào chế tác, biểu diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Nếu chỉ những người Raglai giàu có mới sở hữu Mã La (một loại cồng chiêng) để gõ trong tất cả các nghi lễ, thì những người Raglai nghèo đã sáng tạo ra cây đàn Chapi, loại nhạc cụ đơn sơ phỏng theo thanh âm của tiếng Mã La.
Để chế tác được đàn Chapi phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đỉnh đồi cao, vì mọc dưới thấp, rễ hút nhiều nước, tiếng kêu sẽ không thanh. Sau đó phải gác trên chái bếp 3-4 tháng cho ống tre gai thật khô, thật dai mới đem làm đàn.
Tiếp đến là công đoạn chế tác đàn, ống tre gai sau khi đã phơi thật nỏ trên gác bếp, dùng dao rạch vỏ, tách lên bốn cặp dây khoảng cách đều nhau nhưng có độ dày mỏng khác nhau và dùng những thanh tre chêm vào tạo khoảng hở, rồi buộc chặt bằng những sợi dây hái trên rừng.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi, dân tộc Raglai đang chế tác đàn Chapi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Phần khó nhất của cây đàn Chapi là tách sợi tre để làm dây đàn. Đàn Chapi có 8 dây đàn, mỗi dây cách nhau 2 cm. Phần này phải làm rất cẩn thận vì dây đàn rất đẽ đứt. Sợi dây phải được mài nhẵn và có độ dầy vừa phải. Đây là công đoạn cần độ tỉ mỉ và mất thời gian nhất của cây đàn Chapi.
Công đoạn tiếp theo là đục lỗ và đánh phím đàn. Vị trí của lỗ đàn được nằm ở giữa thân tre. Tất cả có 4 lỗ tương ứng với 4 phím đàn được gắn trên cây đàn Chapi. Ngoài ra cò có hai lỗ ở hai đầu để âm thanh thoát ra ngoài .

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi khảy đàn Chapi giao lưu cùng các nghệ sỹ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại không gian làng dân tộc Raglai
Làm được Chapi đã lâu, khảy được Chapi còn lâu hơn nữa. Điệu đàn Chapi khó thuộc vì không thể ký âm ra giấy được như những làn điệu của người Kinh và nhiều dân tộc khác mà chỉ có những sợi dây đàn phát ra âm thanh trầm bổng. Tiếng đàn như tiếng lòng, cho nên phải có tâm sự, phải khảy mỗi ngày, mỗi đêm thì mới nhớ nổi, để lâu là quên.
Đàn Chapi luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hoá cộng đồng của người Raglai. Sự hiện diên của cây đàn Chapi chính là giấc mơ của những người nghèo, nhưng có tấm lòng rộng mở, phóng khoáng mang theo những niềm mơ ước đơn sơ rằng ai cũng được nghe tiếng Chapi, nghe những âm thanh vô cùng giản dị, tiếng lòng, tình cảm của núi rừng, thiên nhiên.
Phạm Hương