Lễ vào nhà mới được đồng bào dân tộc Khơ Mú tỉnh Sơn La tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Sáng 27/8, nhóm đồng bào dân tộc Khơ Mú đến từ xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức tái hiện Lễ vào nhà mới, giới thiệu tới cộng đồng các dân tộc và du khách nét hóa của dân tộc mình. Đây là một trong hoạt động trong khuôn khổ tháng 8 với chủ đề "Về Làng trải nghiệm nét văn hoá truyền thống” tại Ngôi nhà chung.

 

Chủ lễ Mòng Văn Chơ cùng họ hàng thực hiện nghi lễ đầu tiên chuẩn bị vào nhà mới

Đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú đến từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La lễ vào nhà mới là không thể thiếu khi dựng xong ngôi nhà mới, hay về nhận nhà mới để ở. Người Khơ Mú rất coi trọng chọn ngày lành tháng tốt để vào nhà mới. Khi đã chọn được ngày tốt thì sẽ tổ chức làm lễ vào nhà mới.

 

Chủ lễ Mòng Văn Chơ thực hiện các nghi lễ vào nhà mới.

Theo phong tục của đồng bào Khơ Mú, việc thực hiện nghi lễ vào nhà mới thường chỉ diễn ra ở quy mô hộ gia đình. Chủ gia đình sẽ là người trực tiếp thực hiện nghi thức cúng với sự góp mặt chung vui của họ hàng, bà con dân bản mừng cho gia chủ có ngôi nhà mới.

 

Chủ lễ thực hiện nghi thức cúng cha mẹ trong ngày lễ vào nhà mới.

Trong buổi lễ tái hiện hôm nay, chủ lễ là ông Mòng Văn Chơ; người có uy tín trong cộng đồng hỗ trợ là ông Vì Văn Thương và các thành viên trong nhóm đồng bào Khơ Mú cùng tổ chức thực hiện.

 

Chủ lễ thắp hương tại bàn thờ Bác Hồ

Để chuẩn bị cho lễ vào nhà mới, gia chủ phải chuẩn bị các đồ dùng sinh hoạt cho cuộc sống ở ngôi nhà mới gồm kiềng, chõ đồ xôi, chăn, mền, xoong nồi…và không thể thiếu mâm lễ vật gồm: gà luộc, xôi, nội tạng lợn, rượu trắng, một đôi bát, hai đôi đũa, hai cái thìa, bát nước luộc gà, bát chẩm chéo.

 

Chủ nhà sẽ đồ bát xôi đầu tiên trong ngôi nhà mới.

Trước khi đến ngày vào nhà mới, gia chủ mời một người cao niên trong bản, thường là già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín trong cộng đồng, có gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả để làm người đại diện hỗ trợ trong ngày làm lễ vào nhà mới.

 

Thực hiện nghi thức bôi rượu và vôi lên chiêng, để cúng ma chiêng không quấy phá mọi cuộc vui của dân làng

Vào giờ chuẩn bị lễ vào nhà mới, người được gia chủ chọn thay mặt gia chủ đứng trước cầu thang nhà mới. Khi đến giờ tốt, gia chủ đi trước dẫn theo con cháu phía sau, đến chân cầu thang nhà mới, gia chủ hỏi già làng: "Nhà mới đã làm xong, giờ tốt đã đến. Tôi đưa con cháu vào nhà mới có tốt không?", già làng đáp: "nhà mới đã xong, giờ tốt đã đến, vào nhà mới bây giờ thì sẽ gặp may mắn, cuộc sống ấm no, gia đình mạnh khỏe, ông đưa con cháu vào nhà mới được rồi". Việc hỏi đáp diễn ra 3 lần, sau đó mới lên nhà, đó là thủ tục đầu tiên đề thực hiện nghi thức vào nhà mới.

Gia chủ mời họ hàng và dân làng uống rượu chúc mừng lễ vào nhà mới đã thành công

Khi vào nhà, chủ nhà mang trõ đồ xôi đặt cạnh bếp thờ, đồ dùng sinh hoạt sẽ để ở vị trí phòng ngủ của gia chủ. Người em vợ sẽ nhóm lửa tại bếp cúng với ý nghĩa mong cho gia chủ làm ăn may mắn. Trong văn hoá truyền thống của người Khơ Mú, người em vợ rất được coi trọng, là vị trí không thể thiếu trong lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Khơ Mú.

 

Sau khi em vợ nhóm bếp, bà chủ nhà sẽ đồ bát xôi đầu tiên trong ngôi nhà mới. Tiếp đó, gia chủ lấy lễ vật gồm gà luộc, nội tạng lợn, xôi, rượu, bát, đũa, thìa, một bát nước luộc gà, một bát chẩm chéo đặt lên bàn thờ và bắt đầu thực hiện nghi thức cúng cha mẹ trong ngày lễ vào nhà mới. Người Khơ có tập tụ, chỉ cúng bố mẹ thân sinh không cúng tổ tiên, với quan niệm đời sau cúng đời trước, bố mẹ cúng ông bà, con cái cúng bố mẹ...cứ như vậy chuyển dần về sau.

 

Cộng đồng các dân tộc và du khách cùng uống rượu cần chung vui với lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Khơ Mú

Sau khi thực hiện xong nghi lễ cúng, gia chủ mời khách quý, họ hàng, dân bản uống rượu cần, ca hát nhảy múa chung vui lễ vào nhà mới cùng gia đình.

 

Buổi lễ có sự tham dự của đại biểu và du khách thập phương

Kết thúc phần lễ, các đại biểu, đồng bào các dân tộc và du khách đã hòa vào phần hội cùng rượu uống cần, ca hát, nhảy múa mừng lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Khơ Mú. 

Hải Yến