Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dẫn đầu đoàn công tác tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum về công tác phối hợp với Làng VHDL các DTVN

(LVH) - Trong 2 ngày 25 - 26/8, đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Đoàn Văn Việt làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai về việc triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các địa phương về tổ chức hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia đoàn công tác có ông Trần Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL. Về phía Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban cùng một số đại diện các đơn vị liên quan thuộc Ban Quản lý.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía UBND tỉnh Gia Lai có đ/c Kpă Thuyên, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; về phía tỉnh Kon Tum có đ/c Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các Sở, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan.

Đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại buổi làm việc

Tại các buổi làm việc, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN Trịnh Ngọc Chung đã báo cáo kết quả đạt được trong việc triển khai Quy chế phối hợp đã ký kết giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Theo đó, về phối hợp tổ chức hoạt động theo sự kiện, từ khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng) khai trương đi vào hoạt động, có thể nói địa phương tỉnh Gia Lai là một trong số các địa phương đã quan tâm phối hợp tham gia tổ chức hiệu quả nhiều các hoạt động văn hóa tại Làng. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai luôn quan tâm phối hợp, luân phiên cử các đoàn nghệ nhân đồng bào các dân tộc của tỉnh tham gia các hoạt động sự kiện tại Làng, theo thống kê tính đến nay Gia Lai đã phối hợp với Làng tổ chức tái hiện 10 nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc sắc và các hoạt động trình diễn khác tại làng như: Nghi thức đâm trâu, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước, Lễ thổi tai, lễ Tơ mon… với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân đồng bào các dân tộc Ba Na, Gia Rai. Về phối hợp tổ chức hoạt động hàng ngày, từ năm 2017 được sự quan tâm, phối hợp của địa phương nhóm nghệ nhân, đồng bào dân tộc Ba Na đến xã Tơ Tung - huyện K’Bang - tỉnh Gia Lai bắt đầu tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng.

Đồng chí Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý LVH-DL các dân tộc Việt Nam, báo cáo tại buổi làm việc

Về việc phối hợp với tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tổ chức đưa cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động tại Làng. Đặc biệt, là sự kiện lễ khánh thành mở cổng Làng, cộng đồng các dân tộc thiểu số Kon Tum (dân tộc Giẻ Triêng) đã có mặt tham gia các hoạt động góp phần thành công của sự kiện. Triển khai công tác phối hợp với trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất tại Khu các làng dân tộc, xây dựng nội dung hoạt động và tổ chức đưa các đoàn nghệ nhân của các dân tộc thiểu số tại chổ như: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm tham gia vận hành và tổ chức các hoạt động tại Làng. Từ năm 2010 đến nay, Làng và tỉnh Kon Tum đã phối hợp tổ chức trên 17 đợt cho đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh tham gia cư trú luân phiên nhân và tham gia các sự kiện thường niên, hoạt động hàng quý, tháng tại Làng.

Đồng chí Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu

Bên cạnh đó, báo cáo còn nêu lên những khó khăn trong việc triển khai như: hiện nay, chưa có các quy định cụ thể về định mức hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian, cồng đồng các dân tộc trong việc tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống... rất khó khăn trong việc triển khai công tác bảo tồn văn hóa truyền thống nói chung, huy động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa các cấp tổ chức; Phong tục, tập quán cũng như truyền thống tinh thần cộng đồng rất cao của cộng đồng các dân tộc, nên việc vận động bà con rời địa phương ra sinh sống và hoạt động tại Làng còn khó khăn;…Trên cơ sở đó, các bên đã trao đổi, thảo luận để đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo việc triển khai Quy chế phối hợp đạt được hiệu quả cao, đặc biệt là nhiệm vụ tổ chức đưa đồng bào dân tộc của địa phương về hoạt động hàng ngày và các sự kiện tại Làng; các chính sách hỗ trợ cho những đồng bào tham gia hoạt động, tổ chức các chương trình thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc tham gia hoạt động tại Làng…

Đồng chí Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại buổi làm việc

Trao đổi với đoàn công tác tại buổi làm việc, Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp các Sở ngành và địa phương liên quan tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN trong việc huy động nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hóa tại Làng; nghiên cứu tham mưu các chính sách, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho nhóm bà con dân tộc của địa phương tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng. Đồng thời kiến nghị Bộ VHTTDL một số vấn đề về việc quan tâm, tạo điều kiện về chính sách, chế độ hỗ trợ để động viên, khích lệ tinh thần và đáp ứng nhu cầu sinh sống của nghệ nhân, đồng bào; quan tâm hơn nữa đến tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung; hàng năm tạo điều kiện để tỉnh tiếp tục huy động nghệ nhân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động sự kiện thường niên tại Làng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người và chưa có dịp tham gia các hoạt động.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác nhận được các ý kiến đã trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai Quy chế phối hợp đạt hiệu quả trong thời gian tới trong công tác huy động đồng bào về tổ chức các hoạt động hàng ngày tại Làng. Đồng thời, tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp hoạt động năm 2022 và chuẩn bị các nội dung hoạt động năm 2023. Tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các các địa phương và Làng trong các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước, ngoài nước, tận dụng ưu thế sẵn có của các địa phương, đẩy mạnh quảng bá văn hóa các địa phương tại Làng.

Đại diện Lãnh đạo Sở VHTTDL phát biểu

Kết luận tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các tỉnh về các nội dung như chế độ chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian, cộng đồng các dân tộc trong việc tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, các hoạt động giao lưu văn hóa. Thứ trưởng đánh giá cao tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum là một trong những tỉnh có đóng góp tích cực đối với các hoạt động của Làng trong những năm qua. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả các hoạt động tại Làng, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum tổ chức thêm các hoạt động nhằm thu hút nghệ nhân trên địa bàn tỉnh tham gia. Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum cần tăng cường vận động, động viên các nghệ nhân tham gia hoạt động tại Làng để góp phần giới thiệu rõ hơn văn hoá đặc trưng của dân tộc mình đến với cộng đồng các dân tộc anh em và du khách trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, Thứ trường Đoàn Văn Việt cũng đề nghị các tỉnh phối hợp, trao đổi với Lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Viêt Nam để tổ chức các Hội nghị quảng bá văn hoá dân tộc, thu hút đầu tư cho tỉnh tại Làng nhân các sự kiện lớn.

Một số hình ảnh đoàn công tác đi khảo sát tại 02 Làng dân tộc: Làng Mơhra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; Làng Kon Kơ Tu và Làng Konklor (tỉnh Kon Tum).

Đoàn công tác đi khảo sát tại làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum

Đoàn công tác đi khảo sát tại Làng Konklor (tỉnh Kon Tum).


Đoàn công tác đi khảo sát thực tế Làng Mơhra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai

Thúy Nga