Tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam những ngày đầu Thu

(LVH) - Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam những ngày đầu tháng 8, tiết trời đang dần chuyển mình vào mùa Thu, sau những cơn mưa cảnh vật nơi đây trở nên tươi xanh, không khí trong lành mát mẻ thích hợp cho chuyến tham quan khám phá và trải nghiệm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tọa lạc tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với diện tích rộng lớn 1544ha, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xem là “Ngôi nhà chung” - nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Nơi đây được phân thành 7 khu chức năng, trong đó Khu các làng dân tộc được xem là “trái tim” của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Một góc không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhìn từ trên cao

Khu các làng dân tộc là quần thể tái hiện cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam, nằm trên khu đất có đồi cao, thung lũng, mặt nước, địa hình phong phú, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước. trong đó, gồm 4 cụm làng:

Cụm các Làng dân tộc I gồm các công trình văn hóa và cảnh quan đặc trưng 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Tày - Thái, Tạng - Miến, Mông - Dao, Việt - Mường, Ka Đai. Hiện đang có dân tộc Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Thái, Khơ Mú (Sơn La)  hoạt động thường xuyên.

 

Không gian làng dân tộc Mường

Cụm các Làng dân tộc II gồm các công trình văn hóa và cảnh quan của 18 dân tộc vùng cao nguyên, đồi núi thuộc các vùng Nam Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên với hệ ngôn ngữ Môn - Khmer, Nam Đảo. Hiện đang có dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Raglai (Ninh Thuận) hoạt động thường xuyên.

Cụm các Làng dân tộc III gồm các dân tộc cư trú ở các vùng có cảnh quan bán sơn địa, cao nguyên, đồi núi, triền sông thuộc hệ ngôn ngữ Môn - Khmer và Nam Đảo: Chăm, Khmer, Chơ ro, Chu ru. Hiện có đồng bào dân tộc Khmer (Sóc Trăng) hoạt động thường xuyên tại đây.

 

Không gian đẹp mắt của làng dân tộc Ba Na

Cụm các Làng dân tộc IV gồm các công trình văn hóa và cảnh quan các dân tộc đa văn hóa, cư trú ở vùng bán sơn địa, đồi núi, đồng bằng, duyên hải, triền sông, thị trấn, thị tứ thuộc nhiều vùng văn hóa khác nhau như: Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu thuộc hệ ngôn ngữ Hán, Việt - Mường.

Hiện tại, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có 100 đồng bào của 15 dân tộc đến từ các tỉnh, thành trong cả nước về sinh sống và hoạt động thường xuyên tại đây nhằm giới thiệu, tái hiện đời sống sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán...góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Không gian làng dân tộc Gia Rai - một trong điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với Làng

Tham quan không gian văn hóa của các dân tộc sẽ có những cảm nhận khác nhau, đem đến những sự khám phá mới lạ, thú vị cũng như được tiếp cận gần hơn với kiến trúc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đến với mỗi làng dân tộc đều nhận được sự tiếp đón nồng hậu, thân thiện của đồng bào, thông qua cuộc trò chuyện có thể cảm nhận được sự chân chất, mộc mạc cũng như niềm tự hào và phấn khởi của đồng bào các dân tộc khi giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình.

 

Một không gian yên bình, cộng đồng các dân tộc cùng giao lưu, trò chuyện và giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình

Đến với không gian làng dân tộc Gia Rai cùng thưởng thức tiếng cồng chiêng, tiếng đàn goong, đàn broh với những âm thanh vừa rộn ràng, vừa vang vọng; đến làng dân tộc Ê Đê không thể không thưởng thức hương vị tuyệt vời của cà phê và ca cao; còn vào làng dân tộc Ba Na lại được hòa vào không gian âm nhạc vô cùng sôi nổi, độc đáo đem đến cảm xúc khó tả.

 

Đến làng dân tộc Ba Na sẽ bị cuốn hút bởi âm nhạc sôi động, vang vọng của con người vùng đất Tây Nguyên

Bên cạnh đó, đến với không gian giới thiệu nghề dệt thổ cẩm và thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc để thấy được sắc màu thổ cẩm rực rỡ của dân tộc Thái, dân tộc Mường; se lanh dệt vải của dân tộc Mông; dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Tà Ôi; dệt vải của dân tộc Ba Na, Ê Đê theo truyền thống Tây Nguyên; thêu truyền thống của dân tộc Khmer; ngoài ra còn giới thiệu quy trình đan lát, chế tác nhạc cụ của dân tộc Nùng, Cơ Tu...

 

Đồng bào dân tộ Gia Rai,CơTu cùng nhau hòa vào các vũ điệu dân ca dân vũ

Với không khí trong lành mát mẻ của những ngày đầu mùa Thu, không còn nắng gắt như những ngày Hè, sẽ rất lý tưởng để tham quan khám phá không gian văn hóa của 54 dân tộc anh em và các hoạt động trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Du khách liên hệ đặt dịch vụ vé tham quan, ăn uống, lưu trú, thuyết minh viên: 0246.2929.777 - 0246.6566.066

Theo dõi Fanpage Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: https://www.facebook.com/Langvhdl

Trong Tháng 8 này, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Về Làng trải nghiệm nét văn hoá truyền thống” với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, cùng các hoạt động trải nghiệm như: Chương trình trình diễn nghề dệt thổ cẩm và nghề thủ công truyền thống; Chương trình dân ca dân vũ “Sắc hoa Làng tôi”; Tái hiện Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Khơ Mú, tỉnh Sơn La; Chương trình trải nghiệm văn hoá truyền thống gắn với không gian văn hoá đồng bào các dân tộc,…


Hải Yến (ảnh:Vương Lộc)