Ban Quản lý:Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và diễn tập thực tế
(LVH) - Sáng 06/11/2021, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lớp tập huấn nghiệp vụ công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và diễn tập thực tế tại một số điểm thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với sự tham gia của 169 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, PCCC của Ban Quản lý và đặc biệt sự tham dự của 13 cộng đồng đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Quang cảnh lớp học lý thuyết tại Nhà chiếu phim
Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng ban; lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo huấn luyện phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ, lãnh đạo Phòng cảnh sát PCCC thị xã Sơn Tây cùng một số đồng chí đại diện các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Công tác nghiệp vụ an ninh, PCCC là một trong những nhiệm vụ thường niên của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh và PCCC tại các làng dân tộc thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Các thành viên lớp tập huấn được nghe giảng và được hướng dẫn trực tiếp các nội dung của nghiệp vụ công tác an ninh, PCCC, cứu nạn cứu hộ trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động tập luyện các phương pháp, kỹ năng cơ bản, cần thiết trong công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy, xử lý các tình huống thực tế xảy ra.

Giảng viên Thượng tá Nguyễn Đức Thành, Phó Trưởng công an thị xã Sơn Tây
Thượng tá Nguyễn Đức Thành, Phó Trưởng công an thị xã Sơn Tây, người trực tiếp tham gia giảng dạy và hướng dẫn cho các học viên lớp học nhấn mạnh: “Cần chú trọng công tác phòng chống cháy nổ tại đơn vị cơ sở. Lực lượng chữa cháy cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong chữa cháy, không trông chờ và ỷ lại vào lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Bởi phòng cháy chữa cháy là tức thời, tại chỗ. Bốn phương châm cơ bản trong cứu hộ, cứu nạn là Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện tại chỗ và Hậu cần tại chỗ”.

Hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy cho học viên
Lớp tập huấn lần này nhằm tìm hiểu về vai trò, vị trí và các kiến thức cơ bản của công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ đồng thời tập luyện các phương pháp, kỹ năng cơ bản, cần thiết trong công tác bảo vệ và PCCC, xử lý các tình huống thực tế xảy ra, các kỹ năng về cứu hộ, cứu nạn, thực tập phương án PCCC cơ sở, đặc biệt là thực hành các nội dung trong phối hợp với lực lượng PCCC chuyên nghiệp tổ chức chữa cháy đối với từng đám cháy tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh diễn ra tình huống giả định sử dụng bình chữa cháy tại chỗ
Các học viên được hướng dẫn các cách buộc dây, di chuyển người bị nạn, công tác sơ cấp cứu ban đầu…, được hướng dẫn bảo quản và sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ với các bình chữa cháy, máy bơm, lăng vòi,…


Các học viên thực hành các thao tác sử dụng bình chữa cháy
Cùng ngày, các thành viên khóa học được hướng dẫn trực tiếp về công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ và được thực hành các thao tác thực tế tại Khu các làng dân tộc Ba Na. Tình huống giả định được đặt ra là xử lý công trình nhà Rông bị cháy. Tình huống giả định nhưng rất dễ xảy ra trong thực tế, các học viên phải thực hành các thao tác chữa cháy và sự phối hợp giữa các cá nhân, phối hợp giữa nhiệm vụ báo cháy, bảo vệ tài sản, cứu nạn với dập tắt, ngăn cháy lan... Đặc biệt, 4 phương châm cứu hộ, cứu nạn phải được triệt để triển khai thực hiện, cũng như thực hành nhuần nhuyễn những kiến thức đã được tập huấn từ trước về bảo vệ và PCCC, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo về an ninh, an toàn và PCCC tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Các học viên với tình huống giả định tại nhà Rông của làng dân tộc Ba Na

Kết thúc lớp học nhận xét, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm cho các học viên
Việc tổ chức lớp tập huấn là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức chấp hành của công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng các dân tộc đang sinh hoạt hàng ngày tại “Làng” thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, phòng ngừa không để xảy ra cháy nổ và xử lý tốt các tình huống khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, nắm vững quy trình tổ chức chữa cháy ban đầu, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng người trong công tác chữa cháy, nâng cao năng lực, phối hợp tổ chức chữa cháy giữa lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp, qua đó, từng bước xây dựng lực lượng bảo vệ ngày càng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhằm đáp ứng nhiệm vụ được giao, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phạm Hương