Hội nghị triển khai công tác phối hợp năm 2018

(LVH) - Sáng 23/1, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp năm 2017 và triển khai công tác phối hợp tổ chức các hoạt động năm 2018 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn; lãnh đạo Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Thể thao quần chúng Tổng cục Thể dục Thể thao, Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, các Nhà Hát, Trường học; Sở VHTTDL các địa phương; Cộng đồng các dân tộc hoạt động hàng ngày tại Làng. Về phía Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN có ông Lâm Văn Khang, Quyền Trưởng ban; Các Phó Trưởng ban cùng Trưởng các đơn vị thuộc Ban Quản lý.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Báo Tổng kết công tác phối hợp năm 2017. Trong đó, về kết quả phối hợp với các địa phương, dân tộc năm 2017 đã huy động, đón tiếp 57 lượt cộng đồng dân tộc với khoảng 923 đồng bào là nghệ nhân, già làng, trưởng bản, các dân tộc: Thái, Mông, Hà Nhì, Pu Péo, Lô Lô, Thổ, Ơ Đu, H’rê, Cơ Tu, Tà Ôi, RagLai, Chăm....của 40 lượt địa phương tham gia hoạt động (Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Lâm Đồng, An Giang,...) và tiếp tục tổ chức hoạt động hàng ngày của 11 cộng đồng dân tộc (Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer).

 

Quang cảnh Hội nghị

Đồng thời, Ban Quản lý đã phối hợp với 09 đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo tổ chức các hoạt động chuyên đề, cuối tuần với 428 diễn viên, nghệ sỹ, sinh viên (Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải Lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường CĐVH nghệ thuật Tây Bắc, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội,...).
Trong năm qua, công tác phối hợp đã tăng cường một bước từ xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện góp phần giới thiệu văn hóa dân tộc, phát triển du lịch. Động viên, khích lệ một phần đồng bào dân tộc một số địa phương, nghệ sỹ, diễn viên, sinh viên các đơn vị nghệ thuật và cơ sở đào tạo thể hiện, sáng tạo tại “Ngôi nhà chung” nhằm quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đến du khách và công chúng. Góp phần hình thành hoạt động thường xuyên, điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Làng, qua đó kết nối du lịch các địa phương.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn và ông Lâm Văn Khang, Quyền Trưởng BQL Làng VHDL các DTVN chủ trì Hội nghị

Bên cạnh đó còn tồn tại một số khó khăn như: Không gian, điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, đồng bộ ảnh hưởng tới hoạt động phối hợp của đồng bào, các địa phương và các đơn vị; Thiếu tổng đạo diễn khớp nối hài hòa giữa tổng thể các hoạt động phối hợp để ấn tượng hơn, phù hợp hơn, thu hút hơn. Cần có hoạt động thiết kế riêng mang tính đặt hàng phù hợp với Làng; Phụ thuộc nhiều vào thực tế chất lượng nghệ nhân, tính ổn định của hoạt động và sự vào cuộc của các địa phương khác nhau; Công tác quảng bá, kết nối còn thiếu chủ động,…

Ông Lâm Văn Khang phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo đề ra Kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện năm 2018 với các nội dung trọng tâm: Tổ chức các hoạt động, sự kiện giới thiệu văn hóa dân tộc, sản vật địa phương của đồng bào các dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam, tạo điểm nhấn các hoạt động văn hóa, du lịch kết nối với các địa phương, dân tộc. Tổ chức các hoạt động hàng ngày, thường xuyên, định kỳ phong phú đa dạng, có chiều sâu góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các hoạt động từ nguồn xã hội hóa, hoàn thiện các hạng mục công trình, cảnh quan, tăng cường quảng bá...Tăng cường kết nối địa phương, tận dụng ưu thế sẵn có của các địa phương có chủ thể đang hoạt động hàng ngày tại Làng, đẩy mạnh quảng bá văn hóa dân tộc của địa phương tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Xây dựng Kế hoạch khung các hoạt động sẽ tổ chức trong năm 2018. Số lượng dân tộc huy động khoảng hơn 500 người là nghệ nhân, đồng bào các dân tộc. Phối hợp với 22 Sở VHTTDL các tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Ninh Thuận, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Bến Tre.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc BQL Khu các làng dân tộc Báo cáo kết quả công tác phối hợp năm 2017 và triển khai công tác phối hợp năm 2018

Đồng thời, đưa ra các biện pháp thực hiện như: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng bộ hóa, hoàn thiện không gian văn hóa, du lịch các làng dân tộc; Tăng cường nghiên cứu văn hóa dân tộc, đề xuất nội dung hoạt động sống động; nghiên cứu thị trường đối tượng khách du lịch để đáp ứng; Đa dạng hóa hình thức huy động, đề cao sự tham gia của địa phương, đơn vị; Hỗ trợ kỹ năng, bồi dưỡng cho các nhóm đối tượng; Tăng cường kết nối quảng bá, truyền thông Xây dựng chương trình, kịch bản chi tiết có đặc trưng.

Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang và nhiều đại biểu đóng góp ý kiến nhằm nâng cao công tác phối hợp giữa các đơn vị với Làng

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao mặc dù trong thời gian qua tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song công tác phối hợp đã đạt được nhiều hiệu quả, từng bước lớn mạnh, cụ thể và phù hợp, cùng thống nhất triển khai tốt công tác phối hợp năm 2018. Đồng thời, đưa nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, thắng thắn như cần tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền; nguồn kinh phí phù hợp, rõ ràng trong việc đưa đồng bào về hoạt động tại Làng; cần cung cấp sớm hoạt động khung trong năm vào kỳ xây dựng kinh phí của các địa phương; tăng cường liên kết thông tin, quảng bá trên các website du lịch của địa phương và trung ương;...đồng thời bày tỏ luôn sẵn sàng hỗ trợ, nỗ lực với Làng văn hóa - Du lịch để công tác phối hợp ngày càng đồng bộ, đạt hiệu quả tốt hơn.

Thay mặt Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Lâm Văn Khang cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu. Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc sẽ tiếp thu và mong muốn trong thời gian tới các đơn vị cùng chung tay, nỗ lực phối hợp một cách hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của các bên để đưa hoạt động tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng đa dạng, hấp dẫn hơn.

Hải Yến