Thưởng thức nghệ thuật Bài chòi tỉnh Quảng Ngãi tại “Ngôi nhà chung”
(LVH) - Trong 2 ngày (19-20/10), CLB Dân ca - Bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã giới thiệu tới du khách tham quan nghệ thuật Bài chòi trong khuôn khổ hoạt động tháng 10 “Biển đảo trong lòng đồng bào” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nghệ thuật Bài Chòi các tỉnh Trung bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Với những giá trị văn hóa sâu sắc, nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017).

Nghệ thuật Bài chòi được các nghệ nhân CLB Dân ca - Bài chòi thuộc Trung tâm VHNT tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu tới du khách tham quan "Ngôi nhà chung"
Nội dung của những câu hát bài chòi thể hiện sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng, quê hương đất nước... Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật bài chòi còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.
Giữ vai trò trung tâm trong một cuộc chơi bài chòi là “anh Hiệu” - vừa đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi, vừa là yếu tố ca nhạc tạo cho cuộc chơi bài chòi trở nên sôi nổi, hấp dẫn.
Giữ vai trò trung tâm trong một cuộc chơi bài chòi là “anh Hiệu”
Mỗi con bài chòi, được thể hiện thành 1 thẻ. Bộ thẻ bài chòi là dụng cụ chính trong một cuộc chơi bài chòi, gồm cả thảy 60 con bài. Thẻ bài chòi thường làm bằng tre, hoặc bằng gỗ, dài chừng 30cm, chia thành 2 phần là cán và mặt bài. Mặt bài được vẽ những hình vẽ theo phong cách dân gian, có tính tượng trưng, gợi ý đến tên con bài. Hình vẽ trên thẻ bài chòi cũng là một giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, gắn liền với trò chơi bài chòi.

Thẻ bài được vẽ những hình vẽ theo phong cách dân gian, có tính tượng trưng, gợi ý đến tên con bài
Tại Quảng Ngãi, nghệ thuật Bài Chòi đã và đang đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, góp phần thúc đẩy và lan tỏa bộ môn nghệ thuật đã được UNESCO công nhận, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ dân ca, bài chòi cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Du khách tham gia trò chơi bài chòi được phát ba thẻ bài khác nhau
Tại buổi trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân CLB Dân ca - Bài chòi tỉnh Quảng Ngãi đã mang đến những làn điệu dân ca, bài chòi truyền cảm, đặc sắc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, đạo lý nhân nghĩa, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.

Du khách có thẻ bài giống với chòi cái thì nhận một cây cờ đuôi nheo
Bên cạnh đó, du khách đã rất háo hức, vui vẻ tham gia trò chơi bài chòi. Sau khi tiếng nhạc vang lên, các nghệ nhân cất lên những lời hô xướng khai màn để thu hút và tạo không khí cho cuộc chơi bắt đầu.

Du khách gõ một hồi mõ dài khi có người chiến thắng
Du khách sẽ được phát 3 thẻ bài khác nhau rồi cầm trên tay. Sau đó, "anh Hiệu" sẽ đến trước chòi, xóc ống thẻ rồi lần lượt rút thẻ bài và hát câu hát tương ứng với tên của thẻ bài. Du khách có thẻ bài giống với chòi cái thì nhận một cây cờ đuôi nheo.

Người chiến thắng nhận được phần quà là một túi tỏi Lý Sơn và một lọ Mạch Nha
Quá trình này sẽ được tiếp tục lặp đi lặp lại cho đến khi có du khách nhận được 3 lá cờ đuôi nheo. Sau khi đã nhận đủ số lượng cờ, du khách sẽ gõ một hồi mõ dài. Người dành chiến thắng đã nhận được phần quà là một túi tỏi Lý Sơn và một lọ Mạch Nha.

Bên cạnh đó, nhiều du khách đã dừng chân tìm hiểu về các ấn phẩm giới thiệu du lịch tỉnh Quảng Ngãi
Du khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có những trải nghiệm thú vị khi được tiếp cận gần hơn với nghệ thuật Bài chòi - nét văn hóa độc đáo của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh Trung bộ nói chung, thể hiện bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, qua đó, góp phần giới thiệu thiệu và lan tỏa văn hóa đặc sắc đó đến với cộng đồng các dân tộc anh em tại “Ngôi nhà chung”.
Hải Yến