Tổ chức các hoạt động tháng 10 “Khám phá nét ẩm thực dân tộc”
(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 10 được tổ chức từ ngày 01 - 31/10/2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu các nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chương trình tháng 10 “Khám phá nét ẩm thực dân tộc” có nhiều hoạt động như:
Chương trình Kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 với chủ đề “Vẻ đẹp người phụ nữ đồng bào qua đôi bàn tay khéo léo”
- Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023), Ban Quản lý Khu các làng dân tộc tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam nhằm tôn vinh phụ nữ trong đó có cán bộ công chức viên chức, người lao động Ban Quản lý và đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi khích lệ tinh thần, động viên phụ nữ tiếp tục vượt qua khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ được giao; Thể hiện tài năng, sự sáng tạo, gắn kết cùng quyết tâm xây dựng “Ngôi nhà chung” đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể.
- Đồng bào các dân tộc tổ chức chương trình dân ca dân vũ đặc sắc của các nhóm cộng đồng dành tặng tất cả những người phụ nữ trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
- Giới thiệu sự khéo léo đảm đang của phụ nữ qua việc mỗi nhóm cộng đồng giới thiệu một loại bánh đặc sắc và ấn tượng nhất của dân tộc; Giới thiệu nghệ thuật dệt vải độc đáo tới du khách của các dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Thái…Nghề đan lát truyền thống của các dân tộc.
Tái hiện Lễ kết nghĩa buôn làng của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước
Lễ kết nghĩa buôn làng là nghi lễ rất quan trọng của người M’nông nhằm bảo đảm những cộng đồng của người ở các buôn làng M’nông sẽ gắn bó, đoàn kết với nhau lâu đời, coi nhau như anh em ruột cùng săn con sóc trên nương, trỉa lúa trên rẫy, bẫy con cá dưới khe cuối mùa làm lễ cúng tạ ơn các thần đã che chở, phù hộ cho dân làng có sức khoẻ, làm lụng đủ ăn đủ mặc. Thời gian để tiến hành nghi lễ thường là vào độ tháng 02,3 âm lịch khi ngoài đồng chỉ còn trơ những gốc rạ, trên chòi lúa đã đầy áp, con trâu già nằm gặm cỏ khô, con chim thôi hót bạn tình, nhà nhà ngồi vót nan tre, đan gùi, dệt vải, cùng tận hưởng những tháng nông nhàn trong năm. Người M’nông chọn ngày lành, tháng tốt chủ động qua buôn làng người M’nông muốn kết nghĩa để bàn bạc, thống nhất và phân công việc tổ chức lễ kết nghĩa. Để thực hiên được nghi lễ này hai bên phải chuẩn bị lễ vật trước đó từ 3 đến 7 mùa trăng tuỳ theo điều kiện của hai buôn làng lễ vật đó có thể là 7 con heo nuôi từ nhỏ hoặc là một con trâu, ngoài ra còn ủ men rượu cần, nếp rấy nấu cơm lam và nhiều lễ vật khác đủ cho dân làng hai bên chung vui, được gia tộc phân công các thành viên trong họ chuẩn bị trươc đó cả một thời gia khá dài, đảm bảo chu tất không bị thần linh trách phạt.
Sau phần nghi lễ là phần hội gắn kết giữa cộng đồng người M’nông và đại diện các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hoá.
Chương trình giao lưu, dân ca dân vũ “Bản hoà âm M’nông”
- Độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc M’nông với các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, kèn lá, đàn đáo, sáo tre, kèn bầu, kèn sừng trâu.
- Biểu diễn khoảng 10 tiết mục với chủ đề “Bản hoà âm M’nông” với những hoà âm sâu lắng, nhịp nhàng, tiết tấu rộn rã, tươi vui mang hơi thở của đất và tình người M’nông vang vọng giữa sơn nguyên đại ngàn.
- Ngoài ra có sự kết hợp giao lưu của các nhóm đồng bào Xơ Đăng (Kon Tum), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế) đag hoạt động hàng ngày tại Làng.
Hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống
Giới thiệu trình diễn nghề truyền thống của đồng bào M’nông
- Giới thiệu những sản phẩm nghề thủ công truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt của các nhóm đồng bào M’nông như nghề dệt, đan lát…
- Giới thiệu, thao tác các công đoạn chế tác trang phục, sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào M’nông.
- Giới thiệu các sản phẩm trang sức, nghề dệt cổ truyền của đồng bào M’nông nét văn hoá độc đáo gắn với các nghi lễ truyền thống của đồng bào như lễ kết nghĩa buôn làng, lễ mừng lúa mới, lễ lên nhà lúa cúng lúa…Các nghệ nhân sẽ thực hành, chế tác thực hiện các công đoạn để hoàn thành sản phẩm cùng du khách trải nghiệm, tương tác.
Trưng bày, triển lãm ảnh “Bình Phước - Hồn đất, tình người”
- Giới thiệu, trưng bày 100 hình ảnh đặc trưng của vùng đất, văn hoá, con người các dân tộc tỉnh Bình Phước; những tiềm năng thế mạnh về kinh tế, du lịch…
- Những điểm đến, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bình Phước.
Giới thiệu không gian văn hoá ẩm thực M’nông - Tinh hoa hội tụ
- Trình diễn, giới thiệu các công đoạn chế biển các món ăn truyền thống của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước.
- Giới thiệu, tương tác, trải nghiệm cùng du khách tham quan việc thực hành chế biến ẩm thực truyền thống của đồng bào M’nông với các món ăn độc đáo như bánh lá, cá khô, cơm lam, thịt nướng.
Hoạt động cuối tuần
Tổ chức Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Mường được tổ chức hàng năm vào dịp thu hoạch vụ mùa khoảng tháng 9,10 âm lịch. Lễ này có từ thời xa xưa (Đời Hơ). Theo quan niệm của người Mường sau khi lúa chín được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó đi cúng ông bà tổ tiên trước sau đó mới được ăn nếu không vụ mùa sau sẽ mất mùa. Đến mùa lúa chín, chủ gia đình chọn ngày tốt ra thăm ruộng, ngắt bảy hoặc chín bông lúa nếp cái đẹp tượng trưng cho bảy vía hoặc chín vía lúa ở ruộng nhà mình tết thành một bó nhỏ đem treo ở dầu cột cái trong nhà nơi cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau nghi thức này mọi người mới được ra đồng gặt lúa. Sau khi thu hoạch mùa bà con làm lễ cúng cơm mới. Mâm cỗ cúng phải đầy đủ gồm: cơm non, cá nướng, thịt lợn và hai món chính bắt buộc đó là cơm non và cá nướng. Lễ mừng cơm mới từ xa xưa chủ yếu là phần lễ (nghi thức, cách thức, nghi lễ bày biện) để thầy mo, thầy cúng hay thầy trượng làm các thủ tục cúng lễ theo phong tục truyền thống. Phần hội gần như bị mờ nhạt mà chủ yếu là bà con họ hàng gia đình dân làng đến chơi (vì tổ chức từng gia đình) họ mang cồng chiêng và ban nhạc cò ke ống sáo ra cùng nhau sắc bùa vui chơi trong một ngày, thường kết thúc vào buổi tối. Trong dân gian họ chỉ gọi chung là "Ăn cơm mới" hay lễ mừng cơm mới, họ không gọi là "lễ hội" mà là hội nằm trong lễ. Lễ mừng cơm mới diễn ra tại không gian làng dân tộc Mường để cúng đất trời, mời tổ tiên, cảm tạ các vị thần đã mang đến cho gia đình, bản làng vụ mùa no ấm, cầu mong cho các dân tộc anh em ăn nên làm ra, ăn yên ở lành, may mắn hạnh phúc và trừ khử các loại xấu theo phong tục và tâm linh dân tộc Mường.
Tổ chức Lễ SenDolta của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng
Lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian, cũng như lễ Vu Lan báo hiếu của đồng bào dân tộc Kinh, đồng bào Khmer Nam Bộ cùng mang chung nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống đó với ngày lễ Sen Dolta - lễ cúng ông bà tổ tiên để ghi nhớ ơn sinh thành nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ, là một trong những lễ lớn trong năm. Sen Dolta dịch ra có nghĩa là “cúng ông bà”.
Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng
- Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu Đinh năm.
- Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, leo cột, kéo co...
- Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường, Thái; gà nướng… của dân tộc Dao; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Tày; bánh tình yêu và các sản vật đặc trưng của dân tộc Tà Ôi; các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam...
- Chương trình trải nghiệm văn hoá dân tộc truyền thống gắn với không gian của đồng bào.
Hoạt động hàng ngày
- Tái hiện cuộc sống hàng ngày truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
- Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc.
- Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc…
- Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm.
- Trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ...
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 15 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Chương trình hoạt động tổng thể:
Thời gian
|
Nội dung hoạt động
|
Địa điểm
|
Ngày 08/10/2023 (Chủ Nhật)
|
09h00 - 10h00
|
Tái hiện Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mường,
tỉnh Hoà Bình
|
Làng dân tộc Mường Khu các làng dân tộc I
|
Ngày 14/10/2023 (thứ Bảy)
|
09h00 - 10h00
|
Tái hiện Lễ SenDolta của dân tộc Khmer
tỉnh Sóc Trăng
|
Làng dân tộc Khmer, chùa Khmer Khu các làng dân tộc III
|
CHƯƠNG TRÌNH ĐIỂM NHẤN CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20-10
Ngày 20,21,22/10/2023 (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật)
|
Ngày 20/10/2023 (thứ Sáu)
|
09h00 - 10h30
14h30 - 16h00
|
Chương trình
Kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
|
Làng dân tộc M’nông, Khu các làng dân tộc II
|
Ngày 21/10/2023 (thứ Bảy)
|
09h00 - 10h30
14h30 - 16h00
|
Chương trình giao lưu, dân ca dân vũ “Bản hoà âm M’nông” của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước
|
Làng dân tộc M’nông Khu các làng dân tộc II
|
Cả ngày
|
- Giới thiệu trình diễn nghề truyền thống của đồng bào M’nông
- Trưng bày, triển lãm ảnh “Bình Phước - Hồn đất, tình người”
- Giới thiệu không gian văn hoá ẩm thực M’nông - Tinh hoa hội tụ
|
Làng dân tộc M’nông Khu các làng dân tộc II
|
Ngày 22/10/2023 (Chủ Nhật)
|
09h00 - 10h00
|
Tái hiện Lễ kết nghĩa buôn làng của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước
|
Làng dân tộc M’nông Khu các làng dân tộc II
|
14h30 - 16h00
|
Chương trình giao lưu, dân ca dân vũ “Bản hoà âm M’nông” của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước
|
Làng dân tộc M’nông Khu các làng dân tộc II
|
Cả ngày
|
- Giới thiệu trình diễn nghề truyền thống của đồng bào M’nông
- Trưng bày, triển lãm ảnh “Bình Phước - Hồn đất, tình người”
- Giới thiệu không gian văn hoá ẩm thực M’nông - Tinh hoa hội tụ
|
Làng dân tộc M’nông Khu các làng dân tộc II
|
Hoạt động của cộng đồng dân tộc hàng ngày tại Làng
|
Ngày
01/10/2023 - 31/10/2023
|
- Hoạt động hàng ngày của các dân tộc tại Làng Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.
|
Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer chùa Khmer.
|
Dịp cuối tuần
Ngày (01; 07,08;14,15; 21,22; 28,29/10/2023)
(các thứ Bảy, Chủ Nhật).
|
- Điểm nhấn của các làng dân tộc giới thiệu nét văn hoá truyền thống của các nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng, tăng cường tương tác giới thiệu đến du khách.
- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc. Các sản vật địa phương theo vùng miền tại không gian các làng dân tộc.
- Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.
- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, làm thuốc...
- Các chương trình du lịch trải nghiệm văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại Làng.
|
Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, chùa Khmer.
|
Phạm Hương