Cùng người Ê Đê tiến hành lễ trưởng thành tại Ngôi nhà chung

(LVH) - Chiều 17/4, lễ trưởng thành của dân tộc Ê Đê đã được chính chủ thể văn hóa giới thiệu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Cùng ghế K’pan và hàng chục hiện vật văn hóa đang được trưng bày trong ngôi nhà truyền thống của đồng bào, đây là hoạt động đã lôi cuốn đông đảo du khách tham dự.

Lễ trưởng thành, tiếng Ê Đê gọi là Mpú Tohkoong. Trong vòng đời của người Ê Đê, từ cậu bé trở thành chàng trai, thành người đàn ông biết gánh vác mọi công việc của buôn làng, nhất định phải trải qua nghi thức trọng đại đó là Lễ khôn lớn hay lễ trưởng thành. Đây là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của người con trai, chính thức được cộng đồng thừa nhận, tiến tới xây dựng gia đình, làm chồng, làm cha, làm chủ cuộc sống của mình. Lúc này, thần hộ mệnh đem lại cho con người sức khỏe, đủ sức chống chọi với thiên nhiên, làm ra của cải vật chất.

Nghi thức rửa mặt của chàng trai ngoài bến nước cùng với người bạn đời của mình.

Theo truyền thống, việc cúng lễ này được tổ chức năm lần và do cha mẹ đẻ sắm sửa mâm cỗ, làm lễ. Nếu cha mẹ không có điều kiện thì có thể anh chị em cúng thay… Trong đó, lần cúng cuối cùng là quan trọng vì đó là mốc đánh dấu sự trưởng thành của người được làm lễ.

Trong khuôn khổ giới thiệu 1 nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Ê Đê, lễ trưởng thành được giới thiệu lần cúng thứ năm này.

Nghi thức lễ trưởng thành cũng đơn giản, già làng thay mặt buôn làng, thay mặt họ tộc chàng trai làm lễ cúng yang, xin phép thần linh được làm lễ trưởng thành cho chàng trai. Các lễ vật của buổi lễ gồm: 1 bộ cồng chiêng và 7 dùi; 1 cái trống, 1 cái chũm chọe; đinh năm 2 cái; 1 khiên, 1 đao, 7 chén đồng; 7 gùi, 7 bù nước, 2 ống nước dài 1m; 1 kiếm hoạc sà gạc; Lễ vật gồm: 1 cột nêu; 1 con heo nhỏ, 1 gà, thịt heo, gà, rượu cần, cơm, cháo…

Nghi thức chặt chuối sau khi ra bến nước trở về nhà của chàng trai

Mở đầu là nghi thức rửa mặt của chàng trai ngoài bến nước cùng với người bạn đời của mình. Chàng trai rửa mặt, cởi áo, cởi khăn và gội đầu. Sau đó giúp vợ rửa chân tay và mang bầu nước về. Khi trở về, chàng trai sẽ dùng sà gạc mang theo chặt 2 cây chuối được trồng bên cầu thang rồi bước lên sàn nhà. Điều này tượng trưng cho sức mạnh của chàng trai trước những khó khăn và các thế lực xấu xa.

Nghi thức cúng Yang và uống rượu cần tại ghè rượu đầu tiên

Chàng trai sẽ được tổ chức cúng 4 lần trong nhà dài tại gian khách (ook). Phía trước chiếc ghế K’pan là cây nêu có cột 7 ché rượu cần, thày cúng ngồi vào trước ché rượu cần đầu tiên, mặt hướng về hướng mặt trời mọc để làm lễ. Dàn cồng chiêng và trống nổi lên dồn dập, báo hiệu buổi lễ bắt đầu.

Nghi thức cúng thần linh của thày cúng

Sau khi cúng xong, Ma Bưng dắt tay Y Thái đến bên ché rượu cần đầu tiên trong 7 ché đặt giữa nhà để làm lễ. Chiêng, trống nổi lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu với lần cúng thứ nhất, cúng thần bếp lửa cai quản con người trong nhà. Lần thứ 2 với ý nghĩa sinh ra và được ban sứ khỏe. Lần cúng 3 cầu mong thần linh phù hộ; Lần 4, cúng trời đất, sông suối, bảo vệ con người.

Nghi thức ăn cơm lễ và uống rượu cần của các thành viên trong gia đinh.

Thày cúng khấn mời yàng về chứng kiến và đeo chiếc vòng vào tay chàng trai. Mọi người trong gia đình sẽ lần lượt đeo vòng tay cầu sức khỏe và may mắn cho chàng trai. Cuối cùng, thày cúng mời chàng trai uống rượu cần và lần lượt các thành viên trong gia đình uống rượu cần, ăn đồ lễ.

Nghi thức buộc khăn và đeo vòng tay cầu sức khỏe và may mắn cho chàng trai

Sau nghi thức cúng, chủ thể văn hóa tiến hành giới thiệu Lễ trưởng thành này đã mời du khách thưởng thức những món ăn được chuẩn bị sẵn cùng với rượu cần. Du khách tham dự còn được thưởng thức những tiết mục dân ca dân vũ đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên.

Tiết mục dân ca dân vũ mừng lễ trưởng thành đã kết thúc

Tham dự Lễ trưởng thành được giới thiệu tại làng dân tộc Ê Đê là cơ hội để du khách khu vực Hà Nội đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiểu thêm 1 nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Đây cũng là hoạt động kích cầu du lịch văn hóa của người dân khu vực Hà Nội của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thu Loan