Giới thiệu nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ tại "Làng"
(LVH) - Từ 20-21/4, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2018, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã giới thiệu chương trình nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, kế thừa nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm và dân gian ở khu vực và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào nơi miền sông nước.

Vở diễn Riêm Kê của Đoàn Nghệ thuật Dù Kê Khmer, tỉnh Sóc Trăng
Dù kê là một loại hình ca kịch của dân tộc Khmer, cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc ca hát, đối thoại, diễn xuất, trang phục, ánh sáng, phông màn... phục vụ nhu cầu giải trí của đồng bào Khmer vào các dịp lễ hội. Sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ được xem là kết quả của sự giao thoa giữa sân khấu rô băm của người Khmer, sân khấu cải lương của người Kinh và hý kịch của người Hoa.

Nghệ thuật Sân khấu Dù kê có cốt truyện được xây dựng trên nền ca nhạc (hát, múa) đối thoại phối hợp với hình thái diễn xuất của các mô hình nhân vật. Đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu Dù kê rất phong phú. Các tích truyện diễn ra trên sân khấu Dù kê, về cơ bản luôn đề cao đạo lý của con người, mang tinh thần hướng thiện, ca ngợi cái tốt, cái đẹp, lên án cái ác, cái xấu.

Cốt truyện của các vở diễn thường được rút ra từ thần thoại, cổ tích, bao giờ cũng kết thúc có hậu. Cấu trúc kịch bản có tính xung đột giữa cái thiện, cái ác nên rất mạch lạc, dễ hiểu. Người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở Dù kê vẫn có thể hiểu được cốt truyện. Với 3 tuyến nhân vật chính: tuyến Hoàng tử tiêu biểu cho cái thiện, tinh thần anh hùng, tài ba và lòng đức độ; tuyến bên Chằn tiêu biểu cho cái ác, cái xấu xa tồn tại trong thiên nhiên và xã hội; bên cạnh hai tuyến chính ta còn thấy tuyến động vật tích cực (Khỉ) tiêu biểu cho lòng trung thành, sự thông minh và mưu lược.

Đông đảo du khách tham quan chăm chú theo dõi vở diễn
Hát Dù kê được kết hợp nhuần nhuyễn tế trên nền âm nhạc phục họa, thể hiện qua vũ đạo di chuyển kết hợp với cách hóa trang những bậc đế vương, ông hoàng, bà chúa và những nhân vật khác trong trích truyện có tính khoa trương cách điệu. Các nhạc cụ Khmer cổ truyền thường sử dụng đó là đàn khưm, dàn nhạc pưnpết (ngũ âm) kết hợp với nhiều nhạc cụ dân tộc khác.

Các bạn nhỏ thích thú trước loại hình sân khấu Dù kê
Có thể nói, việc giới thiệu và quảng bá nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ tại "Làng" là hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực, giúp cho du khách tham quan được tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào nơi miền sông nước. Đồng thời là dịp để các cộng đồng dân tộc tham gia hoạt động tại "Làng" được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần đề cao văn hóa, cái đẹp và các giá trị nhân văn, tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương