Giới thiệu nghệ thuật thêu khăn Piêu của phụ nữ Thái tại "Ngôi nhà chung"
(LVH) - Sáng 29/4, đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La đã giới thiệu tới du khách tham quan nghệ thuật thêu khăn Piêu của dân tộc mình trong không gian chợ vùng cao “Sơn La điểm hẹn” diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ngoài việc tham quan mua sắm tại chợ vùng cao "Sơn La điểm hẹn", du khách còn có dịp chiêm ngưỡng nghệ thuật thêu khăn Piêu của các cô gái Thái, bằng sự khéo léo, sáng tạo người phụ nữ Thái đã làm toát lên vẻ đẹp duyên dáng, riêng có trong trang phục của dân tộc mình.
 |
Phụ nữ Thái giới thiệu nghệ thuật thêu khăn Piêu tới du khách tại chợ vùng cao "Sơn La điểm hẹn"
|
Khăn Piêu luôn được nhắc đến như một phần không thể thiếu trong trang phục của người phụ nữ dân tộc Thái. Piêu nghĩa là khăn, ngày nay người ta thường gọi theo từ ghép của ngôn ngữ Thái và Việt là khăn Piêu. Người Thái ở Sơn La gồm: Thái trắng và Thái Đen, ban đầu chỉ có Thái đen là chế tác và sử dụng khăn Piêu. Nhưng do quá trình cộng cư lâu đời, đồng thời có sự giao thoa văn hóa đậm nét lẫn nhau, thì ngày nay, người Thái trắng ở các địa phương và một số dân tộc láng giềng cũng đã tiếp thu nét văn hóa độc đáo này của dân tộc Thái như: Dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú.
 |
Thêu khăn Piêu thể hiện sự khéo léo từng đường kim mũi chỉ tạo nên hoa văn độc đáo
|
Theo cách cổ truyền, khăn Piêu được làm chủ yếu bằng vải bông nhuộm chàm đen, chiều dài một sải tay (1,6m), chiều ngang theo khổ vải dệt thủ công (40cm). Phần trang trí của chiếc Piêu là ở hai đầu khăn, có diện tích 40 x 40cm còn gọi là mặt Piêu.Vải để chọn làm Piêu phải được nhuộm kỹ để có màu đen đẹp, không phai, sợi vải phải đều để thêu Piêu cho dễ và đẹp.
Hoa văn được thêu trên khăn Piêu chủ yếu là hoa văn hình kỷ hà, quả trám, khau cút, hoa, lá... Có rất nhiều loại hoa văn nhưng tập trung chủ yếu và tiêu biểu là hoa văn hình quả trám ở giữa trung tâm, hoa văn hình xương cá ra bốn phía, hoa cút phần thân, tua rua chùm rủ ngoài cùng. Ngoài ra còn có phần viền vải bên ngoài, đính cút piêu và hu piêu ở mép và góc khăn.
Cút piêu có hình tròn, lõi được quấn bằng vải màu đỏ, bên ngoài được quấn chỉ các màu, tạo nên một chiếc cúc hình tròn có màu sắc sặc sỡ. Theo truyền thuyết của người Thái. Ngày xưa, phụ nữ và đàn ông không sống chung với nhau mà họ sống thành hai mường: Mường đàn ông và mường đàn bà ở riêng rẽ. Đến một ngày kia, có một người con trai lớn lên, thấy sự vô lý của cha mẹ mình, đã cùng với người bố và mường đàn ông quyết tâm đánh nhau với mường đàn bà, bằng sức mạnh cơ bắp thì mường Đàn ông đã thắng mường đàn bà. Từ đó họ về sống chung với nhau. Để đánh dấu sự thắng lợi của mường đàn ông và sự thua cuộc của mường đàn bà thì từ đó những người đàn bà xin thề phải mặc váy (quần một ống) suốt đời và phải chứng thực bằng cách điểm chỉ bằng dấu vân tay của mình. Chiếc cút piêu làm bằng chỉ hình tròn đính ở mép Piêu chính là dấu vân tay của những người đàn bà năm xưa.
 |
|
Có hai phong cách thêu Piêu thể hiện rõ ở hai vùng Thái khác nhau đó là: Piêu Yên Châu và Piêu Thuận Châu (Bao gồm cả Mai Sơn, Mường La...) và nhìn vào khăn Piêu người ta có thể nhận biết được đó là người phụ nữ Thái vùng nào. Piêu Yên Châu: Hoa văn được thêu kín đặc ở phần mặt piêu, đồ án hoa văn rậm rạp, sặc sỡ nhưng được phối màu hài hòa nên không kém phần nền nã, tươi tắn. Piêu Thuận Châu: Đồ án hoa văn được thêu đơn giản, khoáng đạt, chủ yếu là hoa văn hình xương cá, khau cút, hình quả trám nhưng mang tính thẩm mỹ cao.
Ngày nay, đa số các vùng Thái đều thêu khăn Piêu theo kiểu Yên Châu nhưng chiếc Piêu Thuận Châu thật sự vẫn mang một nghệ thuật tạo hình, phối màu khác hẳn.
Dựa vào số lượng cút piêu đính trên chiếc khăn người ta có thể phân ra các loại Piêu khác nhau: Piêu cút 2,3,4,5 (gắn ở mép piêu 2,3,4,5chiếc cút); loại Piêu sang trọng và được yêu thích nhất là Piêu cút pụa nghĩa là 4 góc của Piêu được gắn 4 chùm cút, mỗi chùm từ 10-12 chiếc cút những nhỏ hơn cút Piêu đính ở mép khăn; hu piêu là một loại hoa tết bằng vải đính với một dây vải đỏ viền theo mép và đính vào góc khăn piêu. Những chiếc khăn piêu có cút pụa thì không có hu piêu nữa.
Trước đây, theo truyền thống, người ta sử dụng sợi tơ tằm nhuộm các loại thảo mộc trong rừng để tạo màu sắc, ngày nay người ta thường mua sẵn chỉ hoặc len màu ở ngoài chợ để thêu.
 |
Hoa văn đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ của chiếc khăn Piêu
|
Phương pháp thêu Piêu cũng thể hiện cách thêu khác nhau giữ hai nhóm Thái. Người Thái trắng thêu theo mẫu cắt sẵn, người Thái đen thêu theo cách đếm sợi, thêu ở mặt trái và đồ án hoa văn sẽ hiện lên ở mặt phải. Các loại hình hoa văn không có sẵn mà ở trong đầu, trí óc của những người phụ nữ, do bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngoài sử dụng ngày thường, Piêu được sử dụng trong các lễ hội: Hội ném còn, hội uống rượu cần, Mừng nhà mới, vui tết,...Trong lễ hội thường có các cuộc thi, khăn Piêu thường dùng để tặng nhau. Chiếc khăn Piêu cũng là kỷ vật sâu sắc, vật làm tin, vật tỏ tình yêu thương của các đôi trai gái Thái. Piêu còn là đạo cụ cho các điệu múa truyền thống.
 |
Với chiếc khăn Piêu trên đầu góp phần tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Thái
|
Từ khi còn nhỏ, người con gái Thái đã dùng khăn Piêu do mẹ thêu. Khi lớn lên, các cô gái tự thêu khăn để dùng và còn dành để làm quà tặng, dùng làm của hồi môn khi về nhà chồng. Khi qua đời, khăn Piêu còn là chiếc khăn phủ mặt để sang thế giới bên kia, còn là lễ vật tặng cho người quá cố, người chết đem treo ngoài nhà mồ.
Tùy từng loại Piêu mà người ta có thể làm quà tặng cho từng đối tượng: Piêu tặng cho bậc bề trên phải là Piêu cút 3 trở lên, Piêu dùng ngày thường có thể là piêu cút 2, Piêu cút pụa thường được làm quà tặng khi về nhà chồng hoặc dùng trong ngày lễ, cưới.
 |
Du khách hào hứng khi đội chiếc khăn Piêu lên đầu
|
Từ khi còn thơ bé, theo cha mẹ đi làm nương, làm ruộng thì những lúc nghỉ ngơi, nhàn rỗi chị em đã được các mẹ, các chị dạy cho cách thêu thùa các loại hoa văn. Cứ như thế cho đến khi lấy chồng, sinh con, chị em vẫn miệt mài làm vải, thêu khăn. Mỗi chị em phải có hàng chục chiếc khăn, đây cũng thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ, tài hoa của những người phụ nữ Thái.
Ngày nay, với nhiều loại khăn được bày bán trên thị trường nhưng người phụ nữ Thái vẫn luôn gắn bó với chiếc khăn Piêu - đã trở thành nét riêng, độc đáo trong trang phục của người phụ nữ Thái, đồng thời nét văn hóa truyền thống này vẫn luôn được đồng bào gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Hải Yến