Vui tươi những khúc hát đồng dao của thiếu nhi dân tộc Thái (Nghệ An)

(LVH) - Trong 2 ngày 17-18/8, các em thiếu nhi dân tộc Thái đến từ Trường Dân tộc Nội trú THCS Con Cuông (Nghệ An) tham gia biểu diễn những bài hát đồng dao đặc sắc và những trò chơi dân gian của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Hát đồng dao của các em thiếu nhi dân tộc Thái là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động tháng 8 “Ngày hội tuổi thơ” được thực hiện do sự phối hợp giữa Ban Quản lý Khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An. Qua đây, giới thiệu một phần văn hóa miền quê xứ Nghệ với sắc màu văn hóa của dân tộc Thái huyện Con Cuông qua những bài hát đồng dao vui tươi của tuổi thơ.

Các bài đồng dao gắn với trò chơi dân gian

Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em... Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi. Nhìn chung, đồng dao trong các trò chơi thiếu nhi ở các vùng miền đều khá giống nhau ở nội dung, chỉ khác tiếng địa phương.

Các em đã mang đến chương trình những tiết mục biểu diễn lôi cuốn

Đồng dao là một loại hình âm nhạc dân gian của người Thái. Ngày xưa khi mới lập bản, lập mường, trong quá trình vui chơi trẻ con đã sáng tạo nên những lời ca có vần, rồi hát đồng thanh theo nhịp điệu đơn giản. Nội dung của các bài hát đồng dao vô cùng súc tích, thường minh họa các truyện cổ thần kỳ về sự tích loài vật, mượn các con vật trong thiên nhiên để tái hiện cuộc sống của bản mường. Những bài đồng dao của đồng bào Thái đi vào cuộc sống một cách hồn nhiên, mộc mạc, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, là những câu từ mộc mạc mà lũ trẻ thường nghêu ngao mỗi khi chăn trâu cắt cỏ và không chỉ có vậy mà người ta còn thấy đồng giao trong lễ hội hay trong tiếng mẹ ru êm đềm. Cứ thế, thế hệ này lưu truyền cho thế hệ sau.

Qua những giọng hát trong trẻo, hồn nhiên của các em dân tộc Thái Trường Dân tộc Nội trú THCS Con Cuông

Đồng dao của dân tộc Thái giúp các em nhỏ được vui chơi giải trí, tăng cường khả năng nhận thức, phát triển tư duy ngôn ngữ. Những lời hát đồng dao đã giáo dục cảm xúc cho các em trong quan hệ với thiên nhiên, xã hội và sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, các em còn được giáo dục về lòng kiên trì, tính trung thực và lòng dũng cảm.
Đến với đồng dao, các em nhỏ dân tộc Thái được thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và kết nối với bạn bè. Môi trường diễn xướng của đồng dao Thái là môi trường sinh hoạt tập thể, đông người. Nếu muốn trò chơi thú vị, các em phải rủ thêm bạn bè cùng chơi, cùng hát đồng dao. Từ đó, đã tạo ra môi trường thuận lợi để trẻ em xích lại gần nhau hơn, thiết lập và củng cố tình bàn bè, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng vui chơi, làm việc, học tập.

Không gian làng dân tộc Thái sôi động bởi những bài hát đồng dao

Tại chương trình, các em thiếu nhi dân tộc Thái đã mang đến những tiết mục hết sức lôi cuốn, đáng yêu với nội dung liên quan đến cuộc sống thường ngày, mỗi bài lại được thể hiện trong những hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn như bài đồng dao “Thả Bươn” - ĐốTrăng thì vào những buổi tối trăng sáng trên bãi cỏ rộng, các em nắm tay nhau nhìn trời và cùng hát vang: “Ông trăng ơi trăng vàng – Hai cô nàng giã gạo; Hai già cho lợn ăn – Hai con rắn bện thường, Hai con Rồng cổ vằn – Châu chấu biết bừa ruộng, Gà còn biết ru con ngủ ngày – Sâu đóm bò trên cầu vẽ bản, Anh mời thần đánh trống – Anh mời thông gia uống rượu, Đánh sắt đánh đồng – dắt trâu lên bản thượng – rước đưa dâu rôn ràng, ma cà rồng đậu trước cửa sổ - ma chồn bay đậu cầu thanh – ông vò vè đậu nóc nhà”.

Điệu múa sạp truyền thống dân tộc Thái

Bên cạnh đó là điệu múa sạp được các em thể hiện một cách khéo léo, điêu luyện. Múa sạp của dân tộc Thái đã có từ lâu đời và càng ngày luôn được bổ sung và phát triển. Múa sạp luôn được tổ chức trong các ngày vui hội bản mường và cuốn hút đông đảo mọi người cùng tham gia. Ngoài ra, tại chương trình các em còn thể hiện nhiều trò chơi dân gian như: Kàng lếu (chơi khăng), To ma xang (Chọi gụ), bục bình, to ô mường (ô ăn quan), to pé kệp (chơi thẻ ), pay dóng dánh (đi cà kheo), thi đánh cồng chiêng, ném còn…

Các em trổ tài đi cà kheo

Ngày nay, cùng với các trò chơi dân gian, đồng dao không còn phổ biến như xưa, vì vậy việc tổ chức chương trình càng thêm ý nghĩa. Tại đây du khách bị cuốn hút bởi những bài hát đồng dao vui tươi, sôi động qua giọng hát trong trẻo, hồn nhiên của các em, sự điêu luyện khi trổ tài đi cà kheo, nhảy sạp. Các bài biểu diễn rất bài bản, hấp dẫn, thu hút du khách tham quan dừng chân hòa vào những bài hát, thích thú tham gia các trò chơi dân gian hay điệu múa sạp.
Để mang đến chương trình những bài đồng dao, trò chơi dân gian do các em biểu diễn phải kể đến công sức, lòng nhiệt huyết rất lớn truyền dạy cho thế hệ trẻ biết đến và gìn giữ nét văn hóa độc đáo này không bị mai một của nghệ nhân dân tộc Thái và các thầy cô giáo Trường Dân tộc nội trú THCS Con Cuông. 

Hải Yến