Tái hiện Lễ cúng mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai
(LVH) - Ngày 17/4, Đoàn nghệ nhân dân tộc Gia Rai, Buôn Treng xã Ea H’leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện lễ cúng mừng lúa mới và diễn tấu cồng chiêng, dân vũ trong khuôn khổ “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội)

Lễ cúng mừng lúa mới của người đồng bào dân tộc Gia Rai tỉnh Đắk Lắk thường chia thành 02 phần, đó là phần lễ và phần hội: Phần lễ gồm: Trong lễ cúng có 3 phần (cúng ở rẫy lúa, cúng ở chòi lúa, cúng ở nhà chủ lúa).Lễ cúng mừng lúa mới tại rẫy lúa: lễ vật gồm 01 chóe rượu, 01 con gà (các lễ vật được chuẩn bị trước). Động tác 7 lần chạm vào chóe rượu của Thầy cúng là dâng lễ và cầu khấn 07 vị thần (thần đất, thần trời, thần nước, thần nuôi dưỡng, thần che chở, thần bảo vệ, thần lúa) cho những loại giống lúa: lúa trô, blia, chke… cho lúa mau chín, cho lúa thơm ngon. Hôm nay gia đình chủ lúa xin dâng các thần 01 chóe rượu, 01 con gà để cảm ơn các thần linh đã cho chủ lúa sức khỏe, cho rẫy lúa chín vàng, cho mùa lúa bội thu.

Sau khi dâng lễ, theo phong tục tập quán của người dân tộc Gia Rai là mẫu hệ, chính vì vậy nguời được mời rượu đầu tiên là người phụ nữ trong nhà và sau đây mời người vợ và mẹ vợ chủ lúa cùng uống (lúc này anh vợ của chủ lúa mời Thầy cúng 01 cái đùi già và một ống rượu để tỏ lòng kính trọng đối với thầy cúng và đây cũng trở thành tập tục không thể thiếu trong các lễ cúng), tiếp theo mời chủ lúa và anh của vợ chủ lúa, sau đó lần lượt khách đến dự từ lớn đến nhỏ cùng uống rượu (kết thúc phần 1 của lễ cúng).

Lễ cúng mừng lúa mới tại chòi lúa: lễ vật gồm 01 chóe rượu, 01 đầu gà (các lễ vật được chuẩn bị trước). Bẩy lần chạm vào chóe rượu của Thầy cúng là dâng lễ và cầu khấn 07 vị thần (thần đất, thần trời, thần nước, thần nuôi dưỡng, thần che chở, thần bảo vệ, thần lúa) để tạ ơn các thần đã che chở cho cây lúa, che chở cho gia đình chủ lúa được mạnh khỏe, xin phép các thần cho chủ lúa được thu hoạch, xin được rước hồn lúa vào chòi để cất giữ. Sau khi dâng lễ xong thì mời mọi người trong gia đình uống rượu (cũng thực hiện theo chế độ mẫu hệ) nên đầu tiên là người vợ, mẹ vợ, mẹ của chủ lúa (cùng lúc thì anh vợ chủ lúa mời thầy cúng 01 cái đùi gà và 01 ống rượu để tỏ lòng biết ơn Thầy cúng), tiếp theo đến chủ lúa và anh vợ chủ lúa cùng uống rượu, sau đó lần lượt khách từ lớn đến nhỏ cùng uống rượu (kết thúc phần 2 của lễ cúng). Sau khi lễ cúng tại chòi rẫy xong thì tất cả nam, nữ cùng nhau thực hiện việc tuốt lúa để đưa cất vào chòi lúa; sau khi tuốt lúa xong, kết thúc phần cúng ở ngoài rẫy và chòi lúa.

Lễ cúng mừng lúa mới tại nhà chủ lúa: Lễ vật gồm 03 chóe rượu, 01 con heo (các lễ vật được chuẩn bị trước). Bẩy lần chạm vào chóe rượu của Thầy cúng là dâng lễ và cầu khấn 07 vị thần (thần đất, thần trời, thần nước, thần nuôi dưỡng, thần che chở, thần bảo vệ, thần lúa) xin phép các thần cho gia đình được rước hồn lúa và lúa về nhà. Hôm nay gia đình xin dâng các thần linh 01 chóe rượu và 01 con heo. (Sau khi dâng lễ xong) tiếp tục đến phần mời rượu

Chóe rượu thứ 1 (vẫn thực hiện theo chế độ mẫu hệ) đầu tiên là người vợ, mẹ vợ, mẹ của chủ lúa cùng uống một lúc (người anh vợ của chủ lúa đang chia cho vợ chủ lúa 01 chén thịt heo, mẹ chủ lúa 01 chén thịt heo và chia cho thầy cúng chén thịt heo và 01 ống rượu), tiếp theo đến chủ lúa, anh vợ chủ lúa cùng uống rượu (lúc này thầy cúng chia cho chủ lúa 01 chén thịt và anh vợ chủ lúa 01 chén thịt), (Sau khi anh vợ uống xong) thì lấy 01 đùi trước của con heo trao cho thầy cúng để tạ ơn thầy cúng. Chóe thứ 2 được mời người Bác vợ của chủ lúa và người Bác của chủ lúa để tỏ lòng biết ơn 2 người bác. Chóe rượu thứ 3 được mời thầy cúng để tỏ lòng biết ơn. Mọi phần lễ đã xong gia chủ có 02 cối giã gạo chuẩn bị trước và 06 cô gái cùng giã, sảy gạo). Trong quá trình các cô gái giã gạo thì các chàng trai có động tác vỗ Đing Bương làm nhịp tạo ra không khí vui vẽ để cỗ vũ các cô gái giã gạo quên đi mệt mỏi cho đến khi lúa được giã thành gạo.

Sau phần Lễ , cần cũng đã vít, rượu cũng đã uống lòng say ngất ngây, buôn làng nổi chiêng lên để cho du khách tham quan cùng múa cùng xoang, những tiết mục tấu chiêng và múa xoang, Tấu chiêng (Aráp truyền thống), Vòng xoang nối vòng xoang, vòng quanh cây nêu truyền thống của người Gia Rai cho đến lúc tan thưa dần và kết thúc.
Một số hình ảnh trong Lễ hội:








Thúy Nga