Tái hiện Lễ hội Say Sán của dân tộc Mông huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Chiều 29/4, hòa cùng các hoạt động chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và Quốc tế lao động 1/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mông đến từ huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình thông qua tái hiện trích đoạn Lễ hội Say sán tại không gian chợ vùng cao “Sắc màu Lào Cai”.
Lễ hội Say sán (hay còn gọi là lễ hội Gầu tào) là một trong lễ hội lớn nhất trong cộng đồng của người Mông, diễn ra vào dịp đầu năm. Việc tổ chức lễ mang hai ý nghĩa lớn: Cầu tự và cầu bình an.
Chuyện kể rằng có những đôi trai gái người Mông kết hôn nhiều năm nhưng không có con, hoặc có con nhưng hay bị ốm yếu bệnh tật. Do vậy họ đến với lễ hội Say sán nhờ thầy chủ lễ khấn vái trước cây nêu để cầu xin trời đất, thần thánh, tổ tiên ban cho lộc con cái. Sau một thời gian nếu đôi vợ chồng đó có con, họ sẽ mời thầy làm chủ lễ, dựng cây nêu để tạ ơn.
.jpg)
Thầy chủ lễ bắt đầu nghi lễ cúng tại cây nêu
Trong ngày diễn ra Lễ này, những vợ chồng nào hiếm muộn lại đến gốc cây nêu của lễ hội để nhờ thầy cầu tự. Việc làm lễ tạ ơn được diễn ra trong vòng ba năm liên tục (đối với gia đình có điều kiện kinh tế), năm thứ nhất lễ vật tạ ơn là gà trống, năm thứ hai lễ vật tạ ơn bằng lợn nhỏ, năm thứ ba là con lợn to (hoặc chỉ làm một lần duy nhất, lễ vật là một con lợn cắp nách đối với gia đình không có điều kiện kinh tế).
.jpg)
Thầy chủ lễ, các phụ lễ cùng với đôi vợ chồng cùng con nhỏ có mặt tại chân gốc cây nêu, thầy chủ lễ sẽ làm cúng để tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên
Lễ hội diễn ra một chuỗi các hoạt động về tín ngưỡng, từ quá trình đi nhờ thầy, mời thầy làm chủ lễ đến các bước cúng xin cây nêu ở bụi cây tre, hát “trù gầu tào” ở gốc tre, chặt tre, kiêng kỵ, dựng cây nêu. Những công việc này được diễn ra vào những ngày trước tết âm lịch, sau tết từ ngày 3 đến mùng 7 tháng giêng lễ chính thức được diễn ra. Việc dựng cây nêu trước tết trên một quả đồi còn là sự báo hiệu cho bà con xa gần biết địa điểm này sẽ diễn ra lễ hội Say sán, cây nêu chính là thông báo và cũng chính là biểu tượng của lễ hội.
.jpg)
Sau khi cúng xong, thầy chủ lễ hoá vàng, người phụ lễ là nữ sẽ hát “trù gầu tào” cũng với ý nghĩa ca ngợi các vị bề trên, phù hộ cho đôi vợ chồng sinh được con, cầu cho trẻ khoẻ mạnh.
Sáng sớm ngày lễ hội, thầy chủ lễ, các phụ lễ cùng với đôi vợ chồng cùng con nhỏ có mặt tại chân gốc cây nêu, thầy chủ lễ sẽ làm cúng để tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên đã phù hộ để cho đứa trẻ được sinh ra trong cõi đời.
.jpg)
Sau phần “trù gầu tào”, các thành viên xa gần nhờ thầy cầu con, tất cả sẽ đi xung quanh cột nêu và hát “trù gầu tào” chín vòng ngược, xuôi.
Sau phần lễ, thầy chủ lễ hoá vàng, người phụ lễ là nữ sẽ hát “trù gầu tào” cũng với ý nghĩa ca ngợi các vị bề trên, phù hộ cho đôi vợ chồng sinh được con, cầu cho trẻ khoẻ mạnh. Sau phần “trù gầu tào”, các thành viên xa gần nhờ thầy cầu con, tất cả sẽ đi xung quanh cột nêu và hát “trù gầu tào” chín vòng ngược, xuôi.
.jpg)
Các chàng trai, cô gái hát giao duyên, múa khèn, múa gậy xinh tiền…
Sau đó, thầy chủ lễ sẽ buộc sợi vải đỏ cầu may mắn, sức khoẻ cho mọi người. Các chàng trai, cô gái hát giao duyên, múa khèn, múa gậy xinh tiền…Có nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ. Sau 3 ngày kết thúc lễ hội, cây nêu sẽ được hạ và đem về gia chủ gác lên sàn nhà, làm dát giường để cầu mong sức khoẻ cho đứa trẻ và hạnh phúc gia đình trọn vẹn.
.jpg)
...có nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ.
Lễ hội Say sán mang ý nghĩa của một nghi thức truyền thống hàm chứa yếu tố tâm linh và mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện cốt cách của người Mông. Đây cũng được xem là giá trị văn hóa phi vật thể điển hình trong tổng thể các giá trị văn hóa của người Mông.
Hải Yến (ảnh: Hải Huyền)