Lễ cúng thần rừng đầu nguồn dân tộc Mông tỉnh Hà Giang tại Làng VHDL các DTVN

(LVH) - Sáng 1/1/2021, đồng bào dân tộc Mông huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang cùng nhóm đồng bào dân tộc Mông đang hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” tái hiện lễ cúng thần rừng đầu nguồn - một trong những hoạt động chào đón năm mới 2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô,Sơn Tây, Hà Nội.

 

Lễ cúng Thần rừng đầu nguồn là lễ hội có từ lâu đời, tồn tại và phát triền cùng với nhiều thế hệ dòng họ, lễ hội cũng là hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian gắn với đời sống của đồng bào. Theo quan niệm từ xa xưa, thế giới tâm linh của đồng bào có các vị thần như: Thần núi, thần rừng…Bởi vậy, đồng bào tổ chức các lễ cúng, lễ hội để cảm tạ các vị thần che chở cho họ trong cuộc sống, bảo vệ rừng là quan niệm từ lâu đời của đồng bào trong thôn nói chung và dòng họ Sùng nói riêng. Tục thờ thần rừng để phù hộ dân làng khỏe mạnh, làm ăn tốt phát đạt, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối và đặc biệt là giữ rừng, thể hiện sự thành kính của con cháu dòng họ Sùng với thần rừng, thần trời, thần đất.

Đồng vào vào rừng nơi thực hiện nghi lễ cúng

Lễ cúng thần rừng được tổ chức vào ngày đầu năm mới vì đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm, trời linh thiêng các lễ vật sẽ được dâng lên các vị thần cây, thần rừng. Đến ngày làm lễ mỗi gia đình mang một lễ vật tới nơi làm lễ cúng, thầy cúng là một người có uy tín trong dòng họ, được người dân nể trọng.

Mọi người tập trung đầy đủ

Lễ được bày biện trên một cái bàn 4 chân gồm có một con dê, một con gà, 3 miếng đậu phụ, 3 miếng bánh trưng cắt nhỏ đặt trước ban thờ, tiếp đó con cháu mang con vật cúng dâng lên Thần Rừng. Bà con trong thôn xin thề trước thần rừng sẽ bảo vệ giữ gìn rừng thật tốt, không săn bắn, không chặt phá, cầu mong được phù hộ từ thần rừng.

Thầy cúng bắt đầu thực hiện các nghi lễ

Hôm nay, tại không gian làng dân tộc Mông - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Mông đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật và tiến hành nghi lễ cúng, gồm nghi lễ cúng sống và cúng chín.

Lễ cúng sống

Với nghi lễ cúng sống, có nội dung như sau:
“Hỡi các vị thần linh, thần cai quản thổ địa khu vực của thôn bản. Hôm nay là ngày tốt, ngày đẹp của các vị. Nay tại làng của đồng bào dân tộc Mông, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà con có vàng bạc, có rượu, có hương, có vải đỏ, có một con gà trống, có một con dê đực…Tất cả xin kính dâng lên các vị thần linh.
Hôm nay là ngày tốt, ngày lành của các vị, hãy về nhận đồ lễ, đồ dâng lên đã có đủ, có đầy. Hãy về chứng giám về nhận là của mình, về lấy là của cho. Dù đi đâu, ở phương nào hãy về đông về đủ, về nhận đồ lễ nhé.
Hãy về phù hộ người lớn đến lớp trẻ, cả dòng họ Sùng từ cuối đến đầu bản, tất cả đã có mặt đầy đủ tại đây. Hãy phù hộ có sức khỏe, làm ăn được thuận lợi, mùa màng được bội thu, chăn nuôi sinh sôi phát triển đầy chuồng, đầy đàn không dịch bệnh. Hãy ngăn đi những thiên tai, những rủi ro, điều xấu, xua đi ma tà quỷ dữ. Để cho dòng họ Sùng nhiều may mắn, sức khỏe, thuận lợi về chăn nuôi, trồng trọt kinh tế không ngừng phát triển. Có của ăn của để sẽ cảm ơn các thần linh.
Tất cả đồ lễ đã có đủ đã có đủ, hãy về nhận lấy, nhận rồi phù hộ, che chở cho bà con dân bản, phù hộ cho dòng họ Sùng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, đủ đầy nhé”.

Lễ cúng chín

Sau nghi lễ cúng sống, các lễ vật gà, dê được đồng bào làm sạch nấu chín để tiếp tục nghi lễ cúng chín, nội dung của lễ cúng chín:
“Hỡi các thần linh, giờ đẹp đã đến, thịt dê, thịt gà đã được nấu chín thơm ngon, có vàng bạc, có vải đỏ, có rượu ngọt. Xin kính dâng lên các vị thần linh cai quản vùng đất địa bàn làng bản.
Hôm nay là ngày tốt, bà con dân bản có đủ đồ lễ xin dâng lên các vị thần linh. Tất cả các vị thần linh hãy về đông, về đủ, về nhận đồ dâng lễ, đã có đầy, có đủ bày tại đây. Hãy về hưởng thụ, về nhận lấy là của mình, của cho, có vàng bạc, rượu, thịt…
Về nhận rồi hãy phù hộ từ đầu đến cuối bản, các hộ của dòng họ, phù hộ cho chăn nuôi lợn, gà, trâu bò được thuận lợi, sinh sôi đầy chuồng, phát triển đầy đàn; trồng trọt ngô thóc đầy bồ, hãy xua đi những điều xấu, cái ác, những điều rủi ro, ngăn ma tà quỷ dữ về gây hại cho dân bản chúng tôi. Từ nay dòng họ chúng tôi làm ít sẽ được nhiều, làm nhiều sẽ có của ăn của để. Xin kính cảm ơn các vị thần linh”.

Lễ cúng thần rừng đầu nguồn là một trong những nét văn hóa từ lâu đời vẫn được đồngbào dân tộc Mông gìn giữ, trong đó có ý nghĩa đặc biệt là giữ rừng, bảo vệ rừng. Buổi lễ đã đem đến cho du khách những hiểu biết thêm về văn hóa của dân tộc Mông, về ý nghĩa của nghi lễ. Kết thúc buổi lễ, đồng bào dân tộc Mông và du khách cùng xuống hòa mình vào "Phiên chợ vùng cao chào Xuân 2021" với nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị cùng nhiều gian hàng giới thiệu ẩm thực, sản vật đặc trưng của cộng đồng các dân tộc đem đến tại không gian chợ vùng cao, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến