Giới thiệu Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tại “Làng”
(LVH) - Từ 28/4 - 1/5/2018, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mông đến từ tỉnh Sơn La đã giới thiệu nghệ thuật múa khèn Mông - một phần văn hóa trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như phong tục tập quán đặc sắc của dân tộc mình tới đông đảo du khách tham quan.

Trong những ngày lễ tết, cùng với những trò chơi dân gian thì cây khèn, là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông. Cây khèn từ lâu đã là một loại nhạc cụ gắn bó với đời sống của người Mông. Con trai Mông từ nhỏ đã biết đến tiếng khèn và khi 13 đến 15 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ.
Cây khèn rất quan trọng với người Mông, có những thứ không thể nói bằng lời được thì dùng tiếng khèn để thay cho lời nói. Cây Khèn luôn đi với người Mông, người Mông đi lễ hội cũng dùng tới khèn múa trong lễ hội, lễ tang cũng dùng tiếng khèn. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ để múa, có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp.
Chiếc khèn do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác và truyền dạy. Các bộ phận cấu thành cây khèn gồm: Thân khèn; bầu khèn; đuôi khèn; ống khèn; lam khèn; lỗ khèn; đai khèn và lỗ thổi khèn. Cây khèn được chia thành 3 phần: Thân khèn, ống khèn, đai khèn. Để làm thân khèn là loại gỗ Pơ mu trắng hoặc đỏ vì chất gỗ này dẻo, nhẹ, không cong, ít đàn hồi và hút nước tốt, được chẻ thành từng thanh, phơi khô, dùng dao đẽo gọt định hình thân khèn rồi chẻ đôi từ đuôi lên ngọn,cố định phần đuôi và tiếp tục đẽo gọt cho hoàn chỉnh. Ống khèn được làm bằng cây măng dê lấy trên rừng, cây măng dê sẽ được nghệ nhân đem đi luộc, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô. Trước khi uốn ống, lấy dùi để xuyên đốt ống cho thông. Đúc đồng làm lam khèn là bước quan trọng và khó khăn nhất. Nguyên liệu gồm: đồng dẻo; đồng cứng; đồng đỏ; từ 1 đến 2 hào bạc trắng...

Người Mông quan niệm chết là về với thế giới bên kia, ở đó, con người vẫn tồn tại, vẫn có một đời sống bình thường… Sau khi đã trọn đời nơi trần thế, con người trở về với tổ tiên. Họ quan niệm nếu không có tiếng khèn, điệu múa khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên. Các bài khèn để an ủi người chết, động viên người nhà, tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Hướng dẫn cho linh hồn người chết chọn đường đi về với tổ tiên để làm con người tốt ở thế giới bên kia. Họ tiễn đưa người chết với đầy đủ các vật dụng, gia súc để người chết yên tâm ở thế giới bên kia, sống tiếp kiếp sau, không quay về quấy quả con cháu.Thổi khèn và múa khèn thể hiện lòng tiếc thương của con cháu đối với người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về công lao của người đã khuất.
Múa và thổi khèn trong đám ma cũng như trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa vừa thể hiện tính nhân văn, vừa thể hiện tính nghệ thuật, không chỉ cho người Mông niềm tin vào cuộc sống mà còn thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của họ.

Nghệ thuật trình diễn khèn thể hiện đặc sắc, kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn, người múa say xưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà đến bốn người hoặc hơn, múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn.
Nghệ thuật múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông, ghi dấu ấn sâu sắc, khó có thể phai được, mất đi được trong các lễ nghi. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, đồng thời, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hoá của các dân tộc ở mỗi địa phương.

Đông đảo du khách thưởng thức nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông
Đầu năm 2018, Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Việc giới thiệu Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần vinh danh di sản, quảng bá tới đông đảo du khách tham quan.
Phạm Hương