Tái hiện Lễ hội Khèn Mông tại "Làng"

(LVH) - Buổi lễ diễn ra vào sáng 2/9, do đồng bào dân tộc Mông huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thực hiện tại không gian chợ vùng cao, đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Lễ hội khèn Mông là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được tổ chức hàng năm và vào dịp Tết Độc lập.
Khèn là nhạc cụ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông và giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như đời sống tâm linh. Tiềng Khèn không chỉ là sợi dây nối giữa thế giới tâm linh với con người, người đang sống với tổ tiên dòng họ, chỉ đường cho người đã khuất về với tổ tiên, mà còn là tiếng lòng của người sống với người đã khuất, là khúc tâm tình của chàng trai, cô gái gửi đến người thương, tiềng Khèn giúp họ kết đôi, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Trong các nghi lễ hay trong các lễ hội, Khèn là vật dụng thiêng liêng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, tiềng Khèn được lưu truyền qua bao đời và đến nay vẫn nguyên giá trị.

Nghi lễ diễn ra tại cây Khèn tượng trưng cho 6 anh em người Mông

Truyền thuyết kể lại rằng: Từ lâu lắm rồi, ở một ngọn núi nọ quanh năm mây mù bao phủ, có hai vợ chồng dân tộc Mông sinh được sáu người con trai, ai cũng thông minh, khỏe mạnh, săn bắt hái lượm giỏi và rất giỏi thổi sáo, chỉ từ những ống trúc đơn giản nhưng dưới bàn tay tài nghệ của các chàng trai nó lại có thể phát ra những âm thanh mê hoặc, quyến rũ lòng nguồi. Khi các chàng trai cất lên tiếng sáo thì bầu trời dường như cao và trong hơn, khung cảnh không còn âm u mà trở nên sống động, chim muông gọi nhau bay về tụ họp.
Cùng với thời gian, cây sáo trúc ngày càng thân thiết với sáu anh em, trên đường lên nương, xuống chợ hay cả trong niềm vui nỗi buồn. Vào những ngày vui, những bữa cơm mới, những hội Gầu tào của bản đều mời sáu anh em đến chơi và thổi sáo.

Nghệ nhân dân tộc Mông Vàng Sá Thào, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chủ trì buổi lễ

Thời gian cứ thế trôi đi, cho đế một ngày kia, cha mẹ già yếu và trở về với tổ tiên, quá đau buồn trước sự mất mát đó, sáu anh emkhóc thương suốt từ ngày này qua ngày khác. Được chín ngày chín đêm thì sáu anh em đều mệt, tiếng khóc không thể phát ra thành tiếng mà chỉ có thể âm ỉ như âm thanh của con suối nhỏ, khi tiếng khóc không còn thành tiếng, họ lại nhớ đến cây sáo trúc, mỗi người dùng một ống sáo trúc để thổi thay cho tiếng khóc thương cha mẹ.

Đồng bào Mông biểu diễn Khèn tại không gian chợ vùng cao

Trước sự mất mát quá lớn, họ không còn thiết tha lên nương làm rẫy, thương tình trước sự hiếu thảo của sáu anh em, thần Núi hiện lên và bảo:”Các con hãy làm một cái bầu để đút gộp các ống trúc đó vào trong và chỉ vần một người thổi là cả sáu ống đó đều vang lên thay cho tiếng khóc, như vậy các con có thể thay nhau đi làm nương mà vẫn thể hiện được sự hiếu kính đối với cha mẹ”. Nghe lời thần, sáu anh em đã làm một chiếc bầu bằng gỗ và gộp sáu ống sáo trúc vào trong. Đó được gọi là cây Khèn. Cứ như vậy, họ thay phiên nhau đi làm nương và cắt đặt từng người ở nhà thổi Khèn để khóc thương, khi một người thổi thì tất cả sáu ống trúc đều phát ra những âm thanh trầm bổng khác nhau như những lời tâm sự từ cõi lòng người thổi được giãi bày, thổ lộ.

 

Từ đó, cây Khèn được hình thành và được coi như một báu vật linh thiêng của người Mông và họ tin rằng, khi có một người thân yêu mất đi, nếu không có tiềng Khèn chỉ đường dẫn lối thì người đó sẽ không tìm về được với tổ tiên dòng họ, gia đình sẽ không được bình an, linh hồn sẽ không siêu thoát. Vì vậy, chiếc Khèn cũng được ví như linh hồn của người Mông, việc gìn giữ được tiếng Khèn trong trẻo, tinh khiết, nguyên sơ cũng chính là giữ được linh hồn trong sáng của người thổi.

Lẽ hội Khèn Mông thu hút du khách theo dõi

Trong lễ hội được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Mông đã tiến hành nghi lễ tại cây Khèn tượng trưng cho sáu anh em người Mông do nghệ nhân dân tộc Mông Vàng Sá Thào, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thực hiện. Sau phần Lễ, đồng bào Mông đã biểu diễn những điệu Khèn truyền thống gắn bó với đồng bào nơi đây, đó là những bài khóc thương cha mẹ, xuống chợ, gọi bạn, tỏ tình…

Năm 2015, Khèn Mông của tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Việc giới thiệu Lễ hội khèn Mông, tỉnh Hà Giang tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần vinh danh di sản, quảng bá tới đông đảo du khách tham quan.

Hải Yến