Lễ vào nhà mới của người Mông
(LVH) - Sáng 3/9, đồng bào dân tộc Mông huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tái hiện Lễ vào nhà mới, một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh của người Mông, đây cũng là một trong hoạt động của đồng bào các dân tộc trong khuôn khổ hoạt động chào mừng Quốc khánh 2/9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
 |
Thầy cúng dùng ngọn tre xua đuổi tà mà
|
Làm nhà là việc hệ trọng của cả đời người, do đó cũng như dân tộc khác, ngày vào nhà mới cũng là ngày đại sự của người Mông, dù nghèo hay giàu người ta đều tổ chức ăn uống vui vẻ, chúc mọi sự tốt lành. Nhà người Mông thường được xếp đá xung quanh làm hàng rào che chắn. Hàng rào đá xếp xung quanh một nhà hoặc hai ba nhà co quan hệ anh em họ tộc với nhau, làm thành từng khu riêng biệt. Người Mông cũng làm nhà dựa lưng vào núi, bản người Mông có từ ba nóc nhà trở lên, có bản chỉ một dòng họ, nhưng không nhiều, còn lại đa số là một bản có nhiều dòng họ sống cùng với nhau.
 |
Bôi tiết gà lên giấy bản và dán lên bàn thờ
|
Lễ vào nhà mới là một nghi lễ quan trọng và thiêng liêng trong hệ thống tín ngưỡng tâm linh nhiều đời của đồng bào dân tộc Mông, huyện Đồng Văn, tỉnh hà Giang. Theo quan niệm của người Mông, cuộc đời con người quan trọng nhất là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Cho nên nhà dù lớn hay nhỏ, làm bằng gỗ hay trình tường nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu. Nhà làm xong, gia chủ sẽ chọn một ngày lành, tốt để làm các thủ tục, nghi lễ vào nhà mới.
Để thực hiện Lễ vào nhà mới, lễ vật gồm có rượu, gà trống, giấy bản, vải đỏ, đồng xu bằng bạc già, cây dựng cánh cửa..., sau khi chuẩn bị xong, gia chủ mời thầy cúng đến làm lễ.
 |
Thầy cúng đóng tấm vải đỏ trước cửa xua đuổi những điều không hay, cầu mong tốt lành cho gia chủ
|
Trước tiên, thầy cúng sẽ dùng ngọn tre để quét nhà nhằm xua đuổi tà ma và những cái xấu xa trong ngôi nhà mới. Sau đó, thầy cúng sẽ lấy tiết gà bôi lên các tờ giấy bản dán lên bàn thờ và các vị trí khác trong nhà để tế các vị thần đang ngự trị trong nhà theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mông như thần gian nhà chính, thần bếp lò, thần gian bếp, thần các cột trụ và thần cửa.
 |
Dán các tờ giấy bản lên các vị trí trong ngôi nhà mới
|
Tiếp đó, thầy cúng đang thực hiện việc đóng tấm vải đỏ trước cửa, bôi tiết gà dán vào chính giữa của tấm vải treo trước cửa để (theo quan niệm của bà con, đặt thần cửa hiện thân là miếng vải đỏ) để trừ tà ma cho gia chủ, xua đuổi những điều không hay đến với gia đình, cầu chúc cho các thành viên trong gia đình có sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
 |
Kết thúc nghi lễ, đồng bào Mông biểu diễn những điệu khèn phục vụ du khách tới tham dự buổi lễ
|
Đồng thời, tấm vải đỏ trước cửa còn là đại diện, thể hiện lá cờ của dân tộc Mông, trong mỗi ngôi nhà dân tộc Mông, nhà nào cũng phải có tấm vải đỏ treo trước cửa nhà mình,. Bàn thờ của người Mông cũng rất đơn giản, không cầu kỳ như các dân tộc khác, trên bàn thờ thường có 03 miếng giấy bạc và ba que hương. Sau khi thầy cúng làm lễ xong, con vật tế được gia nấu chín dâng lên các vị thần linh cầu chúc tài lộc, hạnh phúc, an lành cho ngôi nhà mới và các thành viên trong gia đình.
Lễ vào nhà mới của dân tộc Mông, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến nay vẫn còn duy trì tạo nên bản sắc riêng không bị pha trộn với các dân tộc khác.
Hải Yến