Trích đoạn Lễ Giải hạn - nối số người Mông đen (Lạng Sơn)

(LVH) - Sáng 2/9, đồng bào dân tộc Mông đen đến từ xã Cao Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã tái hiện trích đoạn Lễ Giải hạn nối số tại không gian làng dân tộc Mông, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Buổi lễ được tổ chức do sự phối hợp giữa Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn và Ban Quản lý Khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong chuỗi các hoạt động sự kiện tháng 9 với chủ đề “Vui Tết độc lập”.
Lễ Giải hạn - nối số lần đầu tiên được tổ chức tại “Ngôi nhà chung” và trong ngày Quốc Khánh để cầu mong hạnh phúc, bình an, may mắn tới tất cả mọi người.
Cũng như các dân tộc khác, người Mông quan niệm vạn vật hữu linh, đa thần; họ cho rằng đó là một lực lượng siêu nhiên, có mặt, ngự trị ở mọi lúc, mọi nơi. Vào những ngày đầu năm mới, người Mông lại mời Thầy mo, người có uy tín trong cộng đồng đến giải hạn - nối số cho toàn thể gia đình mình với mong muốn cầu chúc cho một năm mới mạnh khỏe, an khang, làm ăn no đủ, mùa màng tốt tươi.

Tại buổi lễ, tiến hành nghi thức và diễn xướng là thầy mo Vi Văn Thởi là cùng các nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông thực hiện.
Để thực hiện nghi lễ Gỉải hạn - nối số, gia chủ sẽ đến xem nhờ thầy mo trong bản để chọn ngày lành tháng tốt, sau đó chuẩn bị đầy đủ các lễ vật bao gồm: gà luộc; gạo, rượu; thịt lợn đã được luộc chín; cùng hoa quả, bánh kẹo; tiền vàng mã; hương thắp. Đặc biệt là cây chuối non nối số với ý nghĩa tượng trưng cho sự trường sinh.
Đến ngày lành, gia chủ mời đủ họ hàng trong bản đến dự. Sáng sớm, đã cử người đến đón thầy mo về làm Lễ. Thầy mo mặc trang phục của dân tộc Mông màu chàm, đầu đội mũ nồi, mang theo đồ đạc gồm: Sách chữ nho, chuông, bộ gieo quẻ âm dương, “cây phan” được cắt tỉ mỉ bằng giấy và một số vật dụng khác .

Đến giờ tốt, thầy mo làm thủ tục xin quẻ âm dương, trời đất và gọi hồn người nhà được giải hạn - nối số về để làm Lễ.
Lúc này người được nối số và giải hạn sẽ được đưa ra để làm lễ. Tay câm chuông và cây lệnh thầy mo vừa xướng các bài trong nghi Lễ giải hạn vừa đi vòng quanh người được giải hạn (ba vòng) cầu mong cho số mệnh của mình mong thần linh phù hộ, bảo vệ và che chở. Vòng thứ nhất Giêng hai ba mùa xuân hoa nở; Vòng thứ hai tháng năm tháng sáu vui vẻ trùng phùng; Vòng thứ ba đến cuối năm đều an lạc khắp nơi.

Tiếp theo thầy mo sẽ dẫn dắt người giải hạn đến cạnh cây chuối non để ngồi xuống để hành lễ. “Cây chuối mọc bên núi hộ thân, mộc bên nương hộ số; Cầu cho số mệnh bách niên tràng thọ, lộc phúc an khang”.
Thầy mo sẽ lần lượt giải các hạn từ tháng giêng đến hết tháng chạp trong năm:
“Tháng Giêng đến tháng 2: gia chủ không gặp phải chuyện buồn.
Tháng 3: đi sông nước không bị rồng cuốn
Tháng 4: không bị sét đánh
Tháng 5 đến tháng 6: không bị nước lũ cuốn trôi
Tháng 7: đi Nam về Bắc bình an
Tháng 8: đi đường rừng không bị ngựa nhấm chân
Tháng 9: đi rừng làm nương không gặp phải thú giữ
Tháng 10 đến tháng 11: không gặp phải chuyện buồn phiền;
Tháng 12: cầu mong bình an cho cả nhà”.

Tiếp đó, thầy mo sẽ gieo quẻ để mời các vị thần linh chấp lễ nếu các vị hoan hỉ và chúc phúc sẽ được chứng giám bằng quẻ tốt lành.
Kết thúc nghi lễ, gia chủ sẽ mời họ hàng, dân bản cùng thưởng thức những món ăn do chính gia đình mình chuẩn bị để cùng chung vui. Họ sẽ mang cây chuối non đi trồng ở dưới vườn để mong cho cây trái tốt tươi, sô mệnh của người được nối số sẽ bình an, mạnh khỏe.
Nghi lễ giải hạn của cộng đồng người Mông Đen ở Lạng Sơn phản ánh rõ nét phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt văn hóa của người Mông, đây là dịp củng cố mối quan hệ cộng đồng, với ước mong tổ tiên, thần linh chứng giám phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào, những điều tốt đẹp, may mắn, bình an.
Bên cạnh các hoạt động khác được tổ chức nhân dịp nghỉ lễ 2/9, Lễ Giải hạn - nối số của đồng bào dân tộc Mông đen đã thu hút du khách tham gia theo dõi vì ý nghĩa của buổi lễ và hơn nữa được tiếp cận gần hơn với văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông đen nói riêng và cộng đồng các dân tộc khác nói chung tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến (ảnh: Ngọc Tân)