Kiến trúc làng dân tộc Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Nói đến văn hóa dân tộc Mông ngoài phong tục tập quán và lễ hội truyền thống đặc sắc thì cấu trúc nhà ở cũng độc đáo không kém, tạo nên nét đặc trưng trong quần thể không gian kiến trúc 54 dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Làng dân tộc Mông nằm trong cụm làng dân tộc I, thuộc Khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi tái hiện không gian văn hóa, cảnh quan của 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Tày - Thái, Tạng - Miến, Mông - Dao, Việt - Mường, Ka Đai.
Quá trình xây dựng làng dân tộc Mông đã thực hiện công tác khảo sát, điền dã, lấy ý kiến đóng góp của các cấp ngành, địa phương và nghệ nhân, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông. Hồ sơ điền dã được tổ chức nghiệm thu thông qua Hội đồng chuyên gia, các nhà khoa học và cơ quan quản lý Nhà nước.
Làng dân tộc Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng năm 2010. Làng dân tộc Mông có diện tích 0,5ha, trong đó bao gồm bao gồm một nhà đất mái hình mai rùa, một nhà đất mái ngói, một nhà đất mái gỗ và một chuồng gia súc có tổng diện tích công trình 270m2.

Nhà đất mái hình mai rùa (diện tích 88m2)
Hình thức kiến trúc: Nhà 4 gian, 1 chái. Mái nhà hình mai rùa, được lợp bằng cỏ tranh. Nhà có 3 cửa, 1 cửa chính trước mặt nhà, 2 cửa ở 2 đầu hồi. Vách xung quanh nhà bằng ván gỗ mỏng. Nền nhà bằng đất nện.
Kết cấu: Khung nhà bằng gỗ, khung vì kèo 3 cột, hai cột con hai bên và cột cái ở giữa, đầu chống lên nóc. Để liên kết các cột với nhau, ngoài hai kèo còn có xà ngang, các vì kèo được liên kết với nhau nhờ hệ thống xà dọc. Cấu kiện vì kèo, dui hoành bằng gỗ.
Vật liệu: Tre, nứa, cỏ tranh, gỗ, đất, đá...
Nội thất: Các không gian trong nhà không được ngăn chia rõ ràng. Gian giữa có cửa chính, giáp vách hậu là bàn thờ, bên cạnh là tủ để đồ. Gian hồi bên phải có cửa phụ ở đầu hồi để thông ra ngoài. Bên trong gian này giáp vách hậu có giường dành cho vợ chồng chủ nhà, vách tiền là bếp chính. Sát vách hồi còn là nơi để chạn bát và các đồ dùng gia dụng. Cạnh 2 gian này về giữa nhà là buồng ngủ. Gian đầu hồi trái, giáp vách tiền là giường của khách. Bên cạnh giường khách có bếp phụ. Giáp vách hậu là giường dành cho con trai. Gian giữa với gian hồi bên trái để thông nhau, nội thất nhà đơn giản.

Nhà đất mái gỗ
Nhà đất mái ngói (diện tích 79.98 m2)
Hình thức kiến trúc: Nhà 3 gian, 1 chái, 1 hàng hiên, có sàn gác. Nhà 2 mái và 1 mái phụ, lợp ngói âm dương. Nhà cửa chính trước mặt nhà, 2 cửa ở 2 đầu hồi. Vách xung quanh nhà bằng ván gỗ mỏng. Nền đất nện.
Kết cấu: Khung nhà bằng gỗ, khung vì kèo 5 cột, 4 cột con hai bên và cột cái ở giữa, đầu chống lên nóc. Để liên kết các cột với nhau, ngoài hai kèo còn có xà ngang, các vì kèo được liên kết với nhau nhờ hệ thống xà dọc. Cấu kiện vì kèo, dui hoành bằng gỗ, buộc dây mây có gia cố.
Vật liệu: Tre, nứa, dây mây, gỗ, đất, đá, ngói...
Nội thất: Gian giữa có cửa chính, và đặt vị trí thang lên gác. Gian hồi bên phải giáp vách tiền có giường dành cho vợ chồng chủ nhà, vách hậu là bếp nấu cám làm bằng đất. Sát vách hồi còn là nơi để đồ. Chái bên phải để cối xay. Gian đầu hồi trái, giáp vách tiền là giường của khách. Bên cạnh giường khách có bếp phụ, chạn bát, giáp vách hậu là nơi để củi, cây sậy. Không có trang trí khau cút.

Nhà đất mái ngói
Nhà đất mái gỗ (diện tích 94m2)
Hình thức kiến trúc: Cấu trúc nhà 3 gian, 2 chái, có sàn gác. 4 mái, mái lợp bằng gỗ dày 2 lớp. Cửa chính ở gian giữa của mặt trước nhà, có 1 cửa phụ ở đầu hồi bên phải. Vách xung quanh nhà bằng gỗ mỏng. Nền nhà đất nện. Có gác phơi sấy. Ngoài hiên trước nhà có chỗ để củi.
Kết cấu: Khung nhà bằng gỗ, khung vì kèo, cấu kiện vì kèo, dui hoành bằng gỗ, buộc dây mây có gia cố.
Vật liệu: Gỗ, dây mây, đất, đá...
Nội thất: Trong nhà, phía bên trái cửa chính đặt bồ đựng thóc; cạnh đó là phòng ngủ vợ chồng con trai. Bên phải là giường ngủ của khách. Bên cạnh có phòng ngủ con gái, được ngăn bằng ván gỗ. Sát vách hậu là bàn thờ. Phía bên phải bàn thờ là gian ngủ của ông bà. Bên trái, sát vách đầu hồi, đặt lần lượt về phía vách trước nhà là: chạn bát, bếp nấu cám, cối giã gạo, cối xay. Giữa phòng ngủ của ông bà và giường của khách có bếp nấu cơm và sưởi ấm.
Chuồng gia súc: Có diện tích 8m2, khung bằng gỗ, lợp ván ở trên và lát ván ở dưới. Xung quanh được quây bằng gỗ ván.

Hiện nay, làng dân tộc Mông đang có nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông tỉnh Hà Giang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Với kiến trúc độc đáo, làng dân tộc Mông là một trong những điểm đến hấp dẫn, nơi du khách có thể cảm nhận bản sắc văn hóa dân tộc Mông tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hải Yến