Những hình ảnh ấn tượng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021 tại Làng VHDL các DTVN

(LVH) - “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ VHTTDL tổ chức nhằm tôn vinh, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, được diễn ra từ ngày 16-19/4/2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Nhìn lại một số hình ảnh ấn tượng trong chuỗi các hoạt động chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021.

Tối 16/4,Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 đã diễn ra với chủ đề “Văn hóa các dân tộc - Hội tụ và phát triển”, đến dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên BCH TƯ Đảng, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các đại biểu nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân đại diện 54 dân tộc anh em.

Sau bài phát biểu khai mạc các hoạt động chào mừng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam của  đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL là chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm có 4 chương phản ảnh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.



Hội nghị Tổng kết 5 năm (2015-2020) hoạt động hàng ngày của đồng bào các dân tộc và triển khai công tác phối hợp năm 2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đây là hoạt động mở đầu các hoạt động "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2021 tại “Làng”, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN tặng Giấy khen cho các cộng đồng đang hoạt động hàng ngày tại "Ngôi nhà chung".

 

 

Giới thiệu, trình diễn ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hình ảnh áo dài truyền thống Huế là một trong những hoạt động đặc sắc mang đậm bản sắc vùng miền, gắn kết hài hòa giữa văn hóa và du lịch, chương trình đem đến nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cố đô Huế, tạo nên một bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc của cộng đồng các dân tộc và đây cũng là lần đầu tiên áo dài Huế được trình diễn ở một sân khấu thực cảnh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Triển lãm, trình diễn nhạc cụ các dân tộc trưng bày 30 loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam theo vùng, miền, bên cạnh đó là những màn biểu diễn độc đấu, hòa tấu nhạc cụ đặc sắc của các nghệ sĩ đến từ Viện Âm nhạc Việt Nam. Hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá kho tàng nhạc cụ truyền thống phong phú, đa dạng của các dân tộc, qua đó góp phần tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Trong chuỗi các hoạt động "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" là các hoạt động giới thiệu lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam: Lễ Bỏ mả (Pơ thi) là một nghi thức tang ma trong tôn giáo tín ngưỡng, đặc trưng của văn hóa truyền thống dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai. Lễ Bỏ mả (Pơ thi) là lễ hội tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời), đây là một trong những lễ hội lớn nhất của dân tộc Gia Rai, quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc.

Đồng bào các dân tộc Lào tỉnh Sơn La đã tổ chức tái hiện Lễ mừng năm mới "Kin khẩu hó" nhằm giới thiệu nét văn hóa của đồng bào dân tộc mình 

 Đồng bào dân tộc Khmer đến tư tỉnh An Giang đã tổ chức đón Tết Chôl Chnăm, trong ảnh các nhà sư, tăng ni phật tử và đồng bào đến chiêm bái và thực hiện các nghi thức.

Các Nghệ nhân đồng bào Mường (huyện Lạc Sơn,tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức diễn xướng Mo Mường gắn với nhiều nghi lễ và tín ngưỡng, 

"Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" là dịp đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, còn là dịp quảng bá văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em, gắn kết cộng đồng các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng nhau hội tụ tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thúy Nga