Tái hiện Lễ cầu mưa của dân tộc Chăm
(LVH) - Sáng 18/11/2015, tại Làng dân tộc Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào Chăm đến từ tỉnh Bình Định đã tổ chức tái hiện lễ cầu mưa, một nghi lễ gắn bó với đời sống của đồng bào Chăm, mang ý nghĩa tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ.
Đây là lần đầu tiên, lễ cầu mưa của đồng bào Chăm (nhóm Chăm H’roi) tỉnh Bình Định được tái hiện tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam và cũng là một trong những hoạt động chính, hưởng ứng Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, tổ chức tại “Làng” từ ngày 15/11 - 23/11/2015.
Lễ cầu mưa, theo tiếng Chăm gọi là Quang Yang Plâyq achan, là một nghi thức lễ độc đáo, quan trọng của đồng bào Chăm H’roi tỉnh Bình Định. Khi trời hạn hán kéo dài, nắng nóng, không có nước để tưới lúa, tưới cây, đồng bào sẽ làm lễ cầu mưa. Đồng bào có thể làm lễ riêng ở trên rẫy của mình theo từng hộ gia đình hoặc cả làng làm chung một lễ, dân làng cùng nhau chuẩn bị và đóng góp lễ vật để cúng. Thông thường, cứ vào ngày đầu tháng 2 âm lịch hàng năm đồng bào sẽ tổ chức lễ cầu mưa.
 |
Lần đầu tiên tại làng Chăm, Làng VHDL các DTVN, đồng bào Chăm tái hiện lễ cầu mưa
|
Chuẩn bị cho lễ cầu mưa, làng bản sẽ cử những thanh niên trai tráng dựng một đài và án dâng lễ vật tại sân nhà của già làng hoặc bến nước của làng. Tại đài, lễ vật cúng gồm có: 1 cái đầu lợn, một con gà trống, hai ché rượu, 1 vòng sáp ong, 1 chén gạo. Đài và án được dựng từ 4 gốc cây Pay Ch’panh, tức là cây gạo. Phần trên là án, phần dưới là đài, được các nghệ nhân trong làng trang trí màu sắc sặc sỡ. Bên cạnh đó là cây Nêu vươn cao, tạo thành đôi cánh chim Ktang - loài chim biểu hiện cho sự yên bình của người Chăm H’roi. Số người làm lễ cúng phải là số lẻ do làng chọn, kể cả lễ vật cũng là số lẻ để khi cầu Giàng cho thêm chẵn là đủ.
Đúng giờ lành, sau khi dân làng chuẩn bị xong xuôi, thầy cúng bước lên đài cúng. Bên dưới đài cúng là già làng và 1 thầy cúng (gọi là Oi quai) sẽ tới án cúng cầm đồng xin keo lên, đồng xin keo này tượng trưng cho hai mặt âm dương của đất trời, vũ trụ và luôn gắn bó với tâm linh của con người.
Thầy cúng, già làng khấn xong sẽ đến trước đài cúng, già làng tung đồng xu xin keo lên, nếu đồng xin keo có hai mặt khác nhau âm và dương thì Giàng và các vị thần đã đồng ý, còn nếu đồng xin keo có hai mặt cùng âm hoặc cùng dương thì các vị thần chưa đồng ý. Già làng sẽ tiếp tục xin keo đến khi được thì thôi.
Sau khi làm nghi thức xin keo xong, được các vị thần chứng giám, thầy cúng vãi gạo ngụ ý vui mừng, thầy cúng và già làng cùng bưng 2 ly rượu lên mời Giàng và các vị thần uống rượu.
 |
Thầy cúng vừa khấn vừa vãi gạo
|
Tiếp đó, già làng tiếp tục cầu khấn, vừa vãi gạo một lần nữa để biết được các vị thần Mây, thần Sấm, Thần Chớp và thần Gió đã ngụ về làng này đủ chưa. Cùng lúc đó, thầy cúng bước tới án cúng ngắt một ít thịt trên đầu con heo và con gà để tiếp tục khấn xin, vãi gạo và sau đó lại tung đồng xin keo lên, xin các vị thần chứng giám lần nữa, đồng thời xin cảm tạ Giàng. Lúc này thầy cúng ở trên đài cúng hất rượu theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, ngụ ý Giàng và các vị thần linh sẽ cho mưa đáp ứng lời cầu nguyện của dân làng. Những người phụ nữ sẽ cầm những bó nan vuốt vào không khí tạo nên âm thanh của gió, đàn ông gõ trống k’toang nổi cồng chiêng lên tạo nên âm thanh của sấm chớp, già làng hô vang kêu gọi dân làng hãy nổi cồng chiêng chào đón những cơn mưa to mà Giàng cho.
 |
Các thiếu nữ duyên dáng trong điệu xoang uyển chuyển mừng hội làng Chăm
|
Nghe tiếng hô của già làng, mọi người cùng hú theo vui vẻ, những thiếu nữ Chăm bắt đầu múa xoang các điệu truyền thống quanh đội cồng chiêng, mở đầu cho phần hội tưng bừng, vui vẻ với mong ước Giàng và các vị thần sẽ che chở, mang lại cho dân làng những cơn mưa, những điều may mắn, tốt đẹp.
 |
Lễ cầu mưa, một nghi lễ gắn bó trong đời sống của đồng bào Chăm, mang ý nghĩa tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, được tái hiện tại "Ngôi nhà chung"
|
H. Huyền - Đ. Loan