Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê và dân tộc Tà Ôi
(LVH) - Sáng 26/3, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk và dân tộc Tà Ôi đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế đã được diễn ra, đây là nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của hai dân tộc tham gia kết nghĩa.
 |
Già làng Ama Loan dân tộc Ê Đê chủ trì Lễ kết nghĩa anh em
|
Lễ kết nghĩa anh em được tổ chức cho hai người đại diện cho hai dân tộc là anh H'Ruyn Niê (dân tộc Ê Đê) và chị Viên Thị Loan (dân tộc Tà Ôi).
Lễ kết nghĩa anh em được dân tộc Ê Đê và Tà Ôi trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang ý nghĩa tốt đẹp, mong muốn mọi người sống chan hòa thân thiết, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn để xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp.
 |
Thầy cúng trao vòng đồng cho hai người kết nghĩa
|
Chuẩn bị cho buổi Lễ gồm có 1 cây nêu, 1 ché rượu cần, 1 con gà trống, 2 chiếc vòng đồng, 1 cây Kơ nia. Cây nêu không thể thiếu trong các nghi lễ của người Ê Đê và Tà Ôi bởi nó cũng như bàn thờ của người Việt gửi những điều con người mong muốn và cầu khấn đến tổ tiên, thần linh phù hộ, chở che. Con gà được coi là vật chứng cho lễ kết nghĩa anh em và làm cầu nối giữa con người với thần linh, mời các vị thần linh và tổ tiên về chứng giám cho lễ kết nghĩa của hai người. Ché rượu là cầu nối là sự giao tiếp giữa con người và thần linh. Bên cạnh đó, với người Ê Đê rượu cần đem lại niềm vui sự tốt lành. Hai chiếc vòng đồng như tín vật chứng minh kể từ đây hai người đã trở thành anh em một nhà, sống chết có nhau. Cây Kơ nia rất quan trọng đối với mỗi người dân Tây nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng. Họ coi cây Kơ nia là nơi trú ngụ của thần linh. Không chỉ có vậy, loài cây này còn có sức sống mãnh liệt, bám rễ sâu, chịu được hạn hán nên nó còn biểu tượng cho tình anh em bền chặt một nhà, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, sống chết có nhau.
 |
Mọi người hai bên gia đình tham gia uống rượu cần
|
Nghi Lễ được diễn ra tại khu vực nhà dài của dân tộc Ê Đê. Hai người kết nghĩa ngồi sau ché rượu cần, thầy cúng ngồi trước ché rượu tay cầm con gà, vừa cúng vừa vuốt cánh gà 7 lần rồi khấn: "Ơ Yàng! Hôm nay chúng con cầu khấn các vị thần linh, các vị thần đất, thần núi, thần sông, thần rừng và tổ tiên, ông bà đã khuất hãy về đây chứng giám cho lễ kết nghĩa anh em của hai người đại diện cho dân tộc Ê Đê và Tà Ôi kể từ nay cho đến hết cuộc đời, đến hơi thở cuối cùng, mãi mãi là anh em một nhà, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau...". Sau đó thầy cúng cầm vòng đồng trao hai người kết nghĩa.
Theo phong tục Ê Đê, hai người kết nghĩa được chủ lễ mời uống rượu trước, tiếp đến mời mẹ của hai anh chị để tỏ lòng thân thiết, sau đó tới những người trong gia đình và những người chứng kiến. Sau khi kết thúc nghi lễ trong nhà, thầy cúng cùng hai người kết nghĩa và mọi người di chuyển ra sân để trồng cây Kơ nia với biểu tượng cho sự vững chắc và bền chặt tình anh em.
 |
Hai dân tộc kết nghĩa cùng nhau trồng cây Kơ nia
|
Tiếp đến, mọi người di chuyển nhà dân tộc Tà Ôi để làm lễ cúng với ý nghĩa thông báo cho Yàng và tổ tiên biết rằng hôm nay đại diện hai nhà Tà Ôi và nhà Ê Đê đã kết nghĩa và trở thành anh em một nhà. Từ đây, sẽ cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn, hoạn nạn có nhau có Yàng chứng giám.
Sau phần Lễ, phần Hội đã diễn ra với những tiếng chiêng tấu lên réo rắt của dân tộc Ê Đê và cộng đồng các dân tộc, cùng nhau giao lưu nhảy múa, thưởng thức ẩm thực mừng cho hai người đại diện làng dân tộc Ê Đê và Tà Ôi đã trở thành anh em một nhà, vui buồn có nhau và chúc cho tình anh em mãi mãi bền chặt, trường tồn./.
Phạm Hương (Ảnh: Hải Yến)