Tái hiện nghi thức đón Nàng tiên Trăng của dân tộc Thái

(LVH) - Nghi thức đón Nàng tiên Trăng do đồng bào Thái đến từ tỉnh Nghệ An thực hiện vào ngày 21/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Nghi thức được tổ chức với ý nghĩa xin Nàng tiên Trăng ban phước cho trai làng gái bản khỏa mạnh, trẻ con được sống trong sự yêu thương, vui vẻ, khỏe mạnh, hồn nhiên.

Không biết từ bao giờ có trò chơi này, nhưng từ xa xưa, ông bà truyền lại cho đời con đời cháu. Ngày 15 bắt đầu quét dọn làng bản, trai gái các bản cùng đến đây để chơi.Nhưng điều đặc biệt là nhưng người xấu, hay trộm cắp, nói dối, làm chuyện không hay là không dám đến gần, vì sợ nàng trăng khai tội. Rồi những việc để làm ăn phát đạt, sống mạnh khỏe, thời tiết có mưa thuận gió hòa không cũng đều được nàng trăng trả lời.

Từ người già cho đến trẻ con của một làng, bản hoặc các làng, bản tập trung lại một địa điểm linh thiêng như sân làng hoặc nhà riêng của già làng trưởng bản người có uy tín để tổ chức tại không gian tổ chức rộng rãi, thoáng đãng và nhìn thấy rõ mặt trăng trong đêm hội.
Trước mỗi kỳ trăng lên. Người Thái đan một chiếc rỏ bằng nứa dài cớ 80 cm, và chọn một quả bầu khổ vừa áng chừng đầu người sau đó vẽ lên trên quả bầu mắt, mũi mồm sao cho giống hình người.

Khi tổ chức đón “Nàng tiên trăng”, đồng bào Thái mặc áo, váy, xà tích, thắt lưng và khăn piêu.

Trước thời điểm đón trăng lên 1 ngày, nhóm trẻ con, các thanh niên nam, nữ rất háo hức tập trung về một địa điểm và phân công các thành viên vào các vị trí … nhóm hát mời “Nàng tiên trăng”, nhóm rước “ Nàng tiên trăng”….Quá trình “Tả Náng Xoong” được chia làm 5 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Khâu Chuẩn bị
Giai đoạn thứ hai: Hát nhuôn, lăm, khen, trẻ con chơi trò chơi dân gian chờ Đón trăng lên
Giai đoạn thứ ba: Khi trăng đã lên sáng, trong và đẹp nhất mời Nàng tiên trăng xuống trần gian chơi và các câu hỏi đối đáp giữa trai gái với “Náng Xoong” về các hiện tượng, sự vật xảy ra xung quanh mình bắt đầu.
Giai đoạn thứ tư: khắc luống, nhảy sạp, Vui hội chơi trăng
Giai đoạn cuối: Hát tiễn “Nàng tiên Trăng” về trời lúc đó mọi người cũng bắt đầu chia tay nhau và hẹn mùa trăng tớ

i.

Trong mỗi phần đều có những lời hát đồng dao khác nhau, người ta tổ chức đánh cồng,chiêng, khắc luống, nhảy sạp, múa giã chày, múa tăng bula, hát điệu nhuôn, lăm, khắp, xuối...

Công việc chuẩn bị này thường được làm trước 2 ngày rằm. Đàn ông sẽ vào rừng chặt cây nứa, làm nguyên liệu để đan chiếc rọ mà theo tiếng Thái gọi là “Hoong quắc”, tức là hình nộm của Nàng Tiên trăng. Còn những người phụ nữ thì dệt váy, áo, thêu khăn piêu làm trang phục. Để Nàng Tiên Trăng đẹp, phải chọn những cây nứa không quá già cũng không quá non, vừa độ dẻo sao cho dễ dàng đan các mắt của chiếc “Hoong quắc” đều nhau, uốn hình Nàng trăng sao cho “ngực” nở, eo thắt đáy lưng ong.

Điểm đặc biệt là hình nộm Nàng tiên Trăng sau khi hoàn thành được khoác lên bộ trang phục truyền thống của người Thái, có áo, có váy, có khăn piêu được thêu tỉ mỉ những nét hoa văn thổ cẩm trông giống như một cô gái Thái xinh đẹp.

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc Mặt trăng xuất hiện trên bầu trời bản Thái và tất cả những người dân trong bản, nhất là những cô gái, chàng trai nam thanh nữ tú đều háo hức vận những bộ trang phục đẹp nhất để nhanh chóng có mặt tại nhà của già làng hoặc nơi có bãi sân rộng để tham gia trò chơi đón nàng tiên trăng xuống chơi. Mọi người đứng vây quanh một tốp phụ nữ gồm 6 người ngồi quây quần với nhau. Họ cùng nhau nâng trên tay chiếc hình nộm được gọi là “Nàng tiên Trăng” đang lắc lư không ngớt. Và mọi người bắt đầu cất tiếng hát gọi nàng trăng.

“Ơi hỡi nàng trăng, Nàng hãy chọn áo đẹp xuống nhé. Xuống cùng lều coi nương, coi rẫy.Xuống cùng bản coi núi ngắm sông.Đưa cỏ cây hoa lá bên trăng xuống cùng. Lòng thanh thản hãy xuống mau, lòng u sầu trắc ẩn đừng xuống, hãy đưa theo lòng vui vẻ xuống cùng. Già trẻ gái trai có điều muốn nói, muồn xin mời nàng xuống chơi.Ơi hỡi nàng trăng”.

Người ta hát cho đến khi hình nộm nàng tiên bắt đầu nhảy múa trên tay của tốp người điều khiển. “Nàng” gõ cánh tay được làm bằng một chiếc gậy tre xuống hai bên mỗi lúc một nhanh, vậy là nàng trăng đã xuống chơi cùng dân bản. Mọi người trong cuộc chơi thay phiên nhau hỏi Nàng tiên Trăng.Theo quy tắc, một người chỉ được hỏi một câu có nội dung là những mơ ước mong muốn cá nhân trong cuộc sống, người hỏi về sức khỏe người thân, người hỏi về tình yêu đôi lứa và hỏi cả những chuyện đã xảy ra và những chuyện chưa xảy ra đối với bản làng cũng như đối với cá nhân người hỏi, với điều kiện câu hỏi phải rõ ràng và phù hợp với lứa tuổi. Nhận được câu hỏi, Nàng Tiên Trăng sẽ trả lời rất rõ ràng dễ hiểu bằng cách gõ số lần xuống mặt sân để mọi người suy đoán. Nếu nàng trả lời đúng và hay, mọi người cùng reo vui tán thưởng, nếu câu trả lời sai và không hay cả đám lại vỗ tay cổ vũ nàng trả lời tiếp.

Cứ thế cuộc hỏi - đáp mỗi lúc lại thêm hào hứng sôi nổi kéo dài cho đến lúc trăng khuya đã chếch bóng, nhóm tổ chức hát bài tiễn Nàng tiên Trăng. Lúc nàng chợt rùng mình tức là nàng đã về trời. Cuộc vui kết thúc, mọi người về nhà với hẹn đêm mai lại tiếp tục, mỗi lần gọi Nàng trăng đêù diễn ra trong 3 ngày 14,15,16 hàng tháng trong năm.

Nghi thức đón Nàng tiên Trăng vừa để người dân giải trí, vui chơi sau những ngày lao động vất vả trên nương rẫy, vừa thể hiện sự tôn kính đối Thần mặt trăng, cầu mong thần mặt trăng luôn che chở cho dân làng mạnh khỏe, may mắn và mùa màng bội thu. Đồng thời, trò chơi còn là dịp để các cô gái, chàng trai có dịp để gặp gỡ giao duyên, Nàng tiên Trăng cũng đã từng kết duyên cho rất nhiều đôi nam thanh nữ tú thành vợ thành chồng. Bên cạnh đó, trò chơi đón Nàng tiên Trăng cũng vừa giáo dục người dân luôn sống trung thực, thật thà, luôn hướng đến cái thiện, làm việc tốt vì mỗi lần Nàng trăng xuống chơi sẽ khai báo sự thật về những việc làm của người trong bản. Bởi vậy, người Thái luôn sống đoàn kết, quây quần bên nhau, chăm chỉ làm ăn để Nàng tiên Trăng luôn che chở cho dân làng.

Việc tổ chức Tái hiện nghi thức đón Nàng tiên Trăng của dân tộc Thái nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống, khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Đồng thời, góp phần thu hút, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc Thái đến du khách tham quan tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương