Đồng bào dân tộc Khmer tổ chức Lễ Sen Dolta tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Ngày 14/10, Lễ Sen Dolta - nét đẹp văn hóa của dân tộc Khmer đã diễn ra tại quần thể chùa Khmer và làng dân tộc Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Từ sớm đông đảo đại biểu và phật tử đã có mặt tại Không gian quần thể chùa Khmer để tham dự Lễ Sen Dolta

Sen Dolta là lễ hội lớn trong năm của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Cũng giống như Lễ Vu Lan báo hiếu vào rằm tháng 7, Lễ Sen Dolta thể hiện truyền thống đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” của người Việt Nam, mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc.

Thực hiện nghi lễ tại Chính điện chùa Khmer

Lễ Sen Dolta thường được tổ chức trong ba ngày 29,30 tháng Phah trô bót (tháng 10) và mùng 1 tháng A sooch (tháng 11) âm lịch Khmer với ý nghĩa: nhớ đến ông bà tổ tiên và cha mẹ đã khuất; tập trung bà con thân thuộc, bạn bè trong phum, sóc để biếu quần áo, bánh trái dâng lên ông bà cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính và làm lễ cầu siêu cho người quá cố; đoàn kết giữa bà con thân thuộc, bạn bè trong phum, sóc. Trong những ngày Lễ Sen Dolta, tại các chùa Khmer diễn ra nhiều lễ hội, biểu diễn nghệ thuật với các loại hình đặc sắc mang đậm văn hóa Khmer như hòa nhạc ngũ âm, múa các điệu múa truyền thống Rô băm, Rom vông…

 

Đại đức Thích Kim Tuệ - Trụ trì chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt nam chủ trì buổi lễ

Trong những ngày chuẩn bị Lễ Sen Dolta, mỗi gia đình sẽ cử một hoặc hai thành viên đến hỗ trợ nhà chùa làm những công việc chuẩn bị cho ngày lễ như: treo cờ phướn, dọn cỏ, quét dọn khuôn viên tháp đựng cốt, sơn phết tháp…Các gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên.

 

Buổi lễ có sự tham dự của Đoàn Đại sứ quán cùng sinh viên Campuchia và Đoàn Tuỳ viên quân sự và học viên quân sự Campuchia đang học tại Việt Nam

Trong ngày chính lễ, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm lễ là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer Nam bộ, một mâm lễ để dâng sư, còn ba mâm lễ dành cho gia đình sum họp, mời các thành viên trong làng và khách mời.

 

Trong khuôn khổ Lễ Sen Dolta diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tại quần thể chùa Khmer, buổi lễ có sự tham dự của Đoàn Đại sứ quán cùng sinh viên Campuchia và Đoàn Tuỳ viên quân sự và học viên quân sự Campuchia. Sư chủ trì chùa Khmer Đại đức Thích Kim Tuệ chủ trì buổi lễ, đã tổ chức tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, tụng kinh cầu bình an, nhớ tới công ơn của các bậc sinh thành và trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu.

 

Còn tại không gian làng dân tộc Khmer, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, thực hiện nghi thức Lễ Sen Dolta với việc chuẩn bị đầy đủ, chu đáo ba mâm cơm để làm lễ dâng ông bà tổ tiên và một mâm để dâng cơm cho sư.

 

Các thành viên của làng dân tộc Khmer tập trung tại chùa Khmer để dâng cơm cho sư. Các sư tụng kinh cầu phước, làm lễ cầu siêu cho ông bà quá cố, tụng kinh mời ông bà về chứng kiến để người thân đưa ông bà trở về nhà mình. Sau khi tụng kinh xong, gia chủ sẽ thỉnh các sư từ chùa về nhà mình để cùng làm lễ Sen Dolta. 

 

Tại nhà, gia chủ sẽ dâng cơm cho sư và cúng dâng cơm cho ông bà tổ tiên, bên cạnh mâm cơm sẽ là chiếc ghe nhỏ làm bằng bẹ chuối, bên trong là một ít gạo, một ít muối…

 

Tại không gian làng dân tộc Khmer, Đồng bào Khmer thỉnh các sư từ chùa về nhà cùng làm Lễ Sen Dolta

Vừa rót rượu và gắp thức ăn vào chiếc ghe, gia chủ vừa khấn với nội dung mời ông bà, tổ tiên về dùng cơm, mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho con cháu được hưởng phúc, làm ăn phát đạt, sức khỏe, yên vui, anh em vui vẻ sum họp.

Gia chủ thực hiện lễ cúng ông bà tổ tiên

Sau khi khấn xong, gia chủ đặt cơm, gạo, muối, đậu, mè, thức ăn, tiền…vào ghe, rồi đem thả trôi theo dòng nước tiễn ông bà về nơi cũ để dành ăn lâu dài. 

 

Thả ghe trôi theo dòng nước, tiễn ông bà về nơi cũ

Lễ Sen Dolta mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, nhắc nhở mọi người tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố đối với con cháu. Bên cạnh đó, còn thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng luôn được đồng bào dân tộc Khmer gìn giữ và phát huy.

Hải Yến