Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh giới thiệu Lễ hội Ok Om Bok tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Sáng 23/10, tại không gian làng dân tộc Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Khmer đến từ tỉnh Trà Vinh về tham gia hoạt động tháng 10 “Ấn tượng Miền Tây” đã tổ chức giới thiệu quy trình tổ chức Lễ hội Ok Om Bok - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi lễ hội cúng Trăng được tiến hành vào ngày 14 và 15 tháng Kađar theo Phật lịch, tức là ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Mặt Trăng là vị Thần điều hòa thời tiết làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vì vậy đồng bào Khmer tổ chức Lễ hội Ok Om Bok để tạ ơn vị Thần Mặt Trăng bằng nông sản vừa thu hoạch xong.

 

Các chàng trai cô gái Khmer thực hiện công đoạn giã cốm

Tại chương trình, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đã giới thiệu tới du khách quy trình tổ chức lễ hội cúng Trăng, gồm: quy trình chế biến các lễ vật, làm đèn gió, hoa đăng; các nghi lễ Cúng Trăng và  thả đèn gió, hoa đăng. 

Tiếp đó là sàng cốm

Tại không gian giới thiệu quy trình chế biên lễ vật cúng Trăng, đồng bào đã giới thiệu các công đoạn làm cốm dẹp từ đập lúa, rang lúa nếp, giã cốm, sàng cốm đến công đoạn cuối là chế biến cốm dẹp bằng cách cho một ít nước dừa để làm mềm hạt cốm, pha trộn đường cát cho thêm vị ngọt, trộn chút dừa nạo cho thơm và như vậy là đã có cốm dẹp để cúng Trăng.

Các cô gái Khmer thực hiện công đoạn hoàn thiện món cốm dẹp

Bên cạnh cốm dẹp, còn có các loại củ, quả như cam, quýt, bưởi, dừa, khoai mì, khoai lang, khoai môn…; các loài hoa như hoa cúc, hoa vạn thọ được bà con cắm lên thân cây chuối để đưa lên bàn thờ cúng Trăng.

Đồng bào cắm hoa cúc lên thân cây chuối

Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật, đồng bào thực hiện các nghi lễ cúng Trăng. Vào đêm rằm tháng 10, những lễ vật được bày lên bàn thờ, khi trăng lên khỏi rặng cây trước ngõ (tầm 19 giờ 30 phút), bà con tiến hành nghi lễ cúng Trăng.

Các lễ vật đã được đồng bào chuẩn bị cho nghi lễ Cúng Trăng

Nghi lễ cúng Trăng diễn ra theo từng hộ gia đình, hoặc vài hộ gia đình sinh sống liền kề. Trong nghi lễ này, chủ trì buổi lễ là cụ ông, trụ cột của gia đình hoặc người có uy tín trong xóm, tiếp đến là trẻ con, thanh niên, thiếu nữ, các bậc phụ huynh của trẻ con cùng tham dự. Nghi lễ diễn ra theo trình tự sau:

Đồng bào thực hiện các nghi lễ Cúng Trăng

Đầu tiên, chủ trì buổi lễ cầu nguyện các vị chư thiên, các vị thần bảo hộ cùng chứng giám đêm hội cúng trăng rằng: Hôm nay, ngày rằm tháng Mười, chúng con kính dâng lễ vật đến Thần Mặt Trăng với lòng thành kính vô hạn, vì Thần đã điều tiết khí hậu, làm cho mưa thuận gió hòa mang lại mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống sung túc ấm no, hơn thế nữa, sự cung kính vô hạn của chúng con còn là lòng thành đối với đức tính cao quý của Bạch thố là Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chủ trì buổi lễ vừa đút cốm dẹp vừa hỏi ước nguyện của các em

Sau khi cầu nguyện, cúng bái xong, chủ trì buổi lễ vừa đút cốm dẹp và quả chuối vào miệng các em thiếu nhi và thanh thiếu niên, vừa hỏi ước nguyện của các em trong tương lai, có em ước nguyện làm cô giáo, có em ước nguyện làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm công an...những ước mơ của các em được xem là tiền đề để các bậc phụ huynh làm cha, làm mẹ lưu tâm, tạo điều kiện để các em thực hiện được những ước mơ đó.

Thả đèn gió

Sau khi thực hiện xong nghi lễ cúng trăng, đồng bào thực hiện nghi thức thả đèn gió nhằm gửi gắm những ước nguyện của con người về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ đến với Thần Mặt Trăng. Ngày nay, vì sự an toàn chung, nghi thức thả đèn gió không còn được tiến hành. Ngày xưa, vào đêm hội Ok Om Bok, bà con ở khắp nơi cùng nhau thả đèn gió, hàng trăm đèn gió nối nhau liên tiếp bay lên cao, làm cho bầu trời đêm Trăng rằm thêm lung linh huyền ảo. 

Đồng bào thực hiện nghi thức thả hoa đăng

Trong đêm cúng Trăng, bà con thả hoa đăng xuống ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch tùy theo địa hình nơi cư trú nhằm tỏ lòng biết ơn đến Thần Nước, hay Mẹ Nước là cội nguồn của sự sống.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ, đồng bào Khmer lại cùng nhau ca hát nhảy múa vui mừng đêm hội

Rất nhiều đoàn khách đã có mặt tại không gian làng dân tộc Khmer để theo dõi lễ hội độc đáo này

Sau khi tổ chức giới thiệu xong các nghi lễ, bà con cùng nhau múa hát, mừng mùa màng bội thu, mừng cuộc sống ấm no bình an trong lễ hội Ok Om Bok.

Thông qua chương trình đã góp phần giới thiệu một trong những lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời qua đó, quảng bá văn hóa của người Khmer đến với cộng đồng các dân tộc cũng như du khách tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến