Đại lễ dâng y Kathina năm 2018 (Phật lịch 2562) tại chùa Khmer
(LVH) - Lễ Tăng y kathina hàng năm bắt đầu từ ngày 16/9 đến ngày 15/10 âm lịch. Vì vậy, ngày 11/11/2018 (tức ngày 5/10 ÂL) Đại lễ dâng y kathina Phật lịch 2562 đã được tổ chức long trọng trong niềm hoan hỷ vô biên của các tăng ni, phật tử tại chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Đại lễ dâng y kathina là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (ở Việt Nam thường gọi là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Tiểu thừa).
 |
Các Chư tăng tham gia Lễ dâng y kathina
|
Kathina - theo tiếng Pàli không có nghĩa là y áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Trong tiếng Phạn, kathina (viết là kathinaya) có nghĩa là cái khung dệt vải, khung treo. Đại lễ dâng y được gọi như vậy là bởi vì đại lễ này kết cấu nhiều quy định quan trọng dẫn đến thắng duyên cho hàng phật tử. Đại lễ cũng mất đi ý nghĩa nếu thiếu những yếu tố của tâm thí, thời thí, vật thí, người thụ thí và cung cách thí. Đại lễ dâng y kathina bao hàm tất cả những điều đó nên mang ý nghĩa của sự bền vững, chặt chẽ, viên mãn.
 |
Phật tử tham gia nghi lễ Nhiễu Phật xung quanh Chánh điện chùa Khmer
|
Có một cách lý giải khác về đại lễ dâng y kathina, đó là vào mùa an cư, theo nghi lễ, tăng đoàn sẽ họp nhau lại để cắt may y áo mới chuẩn bị cho việc du hành sau khi tháng an cư kết thúc. Chiếc y áo đầu tiên sẽ được tặng cho vị tỳ kheo nào thông thái nhất, lớn tuổi nhất hoặc vị nào khó khăn nhất trong tăng đoàn. Khi may xong, áo được căng lên một cái khung (gọi là kathina) rồi mời mọi người đến chiêm ngưỡng. Sau đó, khung căng áo được tháo ra để tượng trưng cho sự nới lỏng một vài giới luật đối với các tỳ kheo. Nhưng trước đó, trong suốt thời gian an cư, phải giữ khung căng áo nguyên vẹn vì đó là biểu tượng của giới luật phải giữ gìn. Vì thế, lễ dâng y của Phật giáo Nguyên thủy mang tên kathina, tức là sự chặt chẽ, vững bền như chiếc khung kathina vậy.
 |
Các nghi lễ diễn ra bên trong Chánh điện chùa Khmer
|
Người ta cũng có một cách giải thích nữa về đại lễ dâng y kathina, đó là tháng đầu tiên sau mùa an cư được coi là tháng để tăng đoàn chỉnh sửa trang phục sau ba tháng cấm túc an cư, trước khi tiếp tục hành trì.
Đại lễ dâng y kathina là một lễ hội lớn của Phật giáo Nguyên thủy, vì vậy các nghi thức trong đại lễ cũng được tổ chức rất long trọng, trang nghiêm và trong đó, có một số nghi lễ bắt buộc phải tuân thủ theo.
 |
Các Chư tăng thực hiện các nghi lễ
|
Theo quy định, mỗi chùa một năm chỉ được tổ chức đại lễ dâng y kathina một lần vào bất cứ ngày nào trong vòng một tháng ngay sau mùa an cư kết thúc. Đại lễ dâng y kathina có thể do tăng đoàn tổ chức hoặc do hàng phật tử tại gia tổ chức.
Một quy định bắt buộc trong lễ dâng y kathina, đó là việc dâng y chỉ được thực hiện tại các chùa có chư tăng nhập hạ và chỉ cúng dường đến đại chúng tất cả chư tăng chứ không dâng trực tiếp cá nhân một sư tăng nào. Điều này thể hiện ý nguyện hộ trì tam bảo, phụng sự giới pháp, câu thúc giới luật của người phật tử tại gia đối với tăng đoàn.
Trong dịp lễ dâng y diễn ra, y áo và các vật cúng dường khác được phật tử đặt vào mâm rồi đội lên đầu để tỏ lòng kính ngưỡng tam bảo, sau đó đi diễu hành trong thôn xóm, làng mạc trước khi đến chùa để dâng lên chư tăng. Khi tiến hành lễ dâng y, phật tử không trực tiếp tự tay dâng y mà đặt y trước mặt chư tăng. Chư tăng chỉ nhận bằng cách im lặng chứ không dùng tay thụ nhận.
 |
Đông đảo phật tử tham gia Lễ dâng y kathina
|
Đại lễ dâng y kathina đã được tổ chức long trọng tại chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của các Chư tăng cùng đông đảo các tăng ni,phật tử với đầy đủ các nghi thức trang nghiêm như: Tụng kinh lễ bái Tam Bảo, Nhiễu Phật xung quanh chánh điện, Phật tử thọ trì Tam quy ngũ giới, Tác bạch cúng dường dâng y Kathina và tứ vật dụng, Chư Tăng tụng kinh phúc chúc, Thuyết pháp, Phật tử đặt bát hội đến chư Tăng, Chư Tăng tiến hành Tăng sự thọ y Kathina,…
 |
Nhiều đoàn tăng ni, phật tử ở các địa phương đã về chùa Khmer, Làng VHDL các DTVN tham gia lễ dâng y kathina
|
Cùng với Đại lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo Mahanaya (Bắc tông), đại lễ dâng y kathina của Phật giáo Nguyên thủy đã trở thành ngày hội của giới phật tử trong mùa an cư kiết hạ. Ý nghĩa của đại lễ dâng y kathina không chỉ khích lệ tín đồ phật tử thực thi đại hạnh bố thí, tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai Phật, tri ân công đức Tam bảo, tri ân công đức hàng Phật tử hộ trì phật pháp mà còn để nhắc nhở hàng phật tử tại và xuất gia nhớ về công đức của đàn tín.
Hải Yến (ảnh: Ngọc Tân)