Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer tại “Ngôi Nhà chung”
(LVH)- Ngày 17/4/2021, trong chuỗi các hoạt động “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021; tại không gian chùa Khmer, Làng dân tộc III, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), đồng bào dân tộc Khmer đến tư tỉnh An Giang đã tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây. Các nhà sư, tăng ni phật tử và đồng bào đến chiêm bái và thực hiện các nghi thức.

Các nhà sư, tăng ni phật tử và đồng bào đến chiêm bái và thực hiện các nghi thức.
Tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau. Đây cũng là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên hay hướng về những giá trị cổ truyền của dân tộc.Tết được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch). Vào mỗi dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, gia đình lại sum vầy bên nhau. Mọi người cùng trang hoàng nhà cửa, ăn mặc đẹp, sửa sang bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi và bình anvà dành thời gian đi chúc Tết ông bà, lên chùa làm lễ, cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Để chuẩn bị cho ngày Tết, trước đó các gia đình sẽ làm nhiều loại bánh truyền thống như bánh tét, bánh ước tro, bánh gừng, bánh dừa…

Nghi thức tắm Phật
Trong những ngày này, đồng bào Khmer khắp nơi tề tựu về các chùa Khmer để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, ngoài việc vui chơi, giải trí, bà con còn cùng nhau bàn bạc, trao đổi công việc mùa vụ, sản xuất. Tết cổ truyền cũng là dịp để đồng bào Khmer gặp gỡ người thân, họ hàng, bạn bè cùng nhau trò chuyện, nhắc nhở nhau đón Tết lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, cùng nhau đoàn kết thi đua yêu nước và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới…

Nghi thức đón chư thiên mừng năm mới
Trong ngày đầu năm Tết Chôl Chnăm Thmây, người Khmer chuẩn bị vật phẩm như, nhang, đèn, hoa quả mang đến chùa để làm lễ đón chào năm mới, làm lễ rước Đại lịch Maha Sangkran. Maha Sangkran được hiểu như vị hành khiển trong ngày Tết năm mới. Ngày thứ hai gọi là Thngay Von laboch (ngày cúng dường, dâng thức ăn ....), mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sáng sớm và buổi trưa cho các vị Sư sãi. Theo đạo Phật hệ phái Nam tôngthì các ngày lễ trọng đại hay các ngày rằm, các phật tử mang cơm và thức ăn đến chùa, lạy Phật, dâng thức ăn, thức uống cho các vị Sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo. Sau đó, các gia đình thực hiện nghi thức Băng skô (đến Tháp nơi cất giữ tro cốt của người thân trong dòng họ, trong gia đình), mời Sư đến tụng kinh rồi cùng nhau chúc phúc.

Nghi thức Lễ trong Chùa Khmer
Ngày cuối cùng là một ngày rất trọng đại đối với người Khmer, bởi đó là ngày lễ cầu siêu, tắm Phật tại Chùa và tắm Phật tại nhà, mang ý nghĩa gột rửa những muộn phiền, đón những điều mới mẻ, an vui. Nước thơm sau khi tắm Phật, đồng bào Khmer mang về nhà tắm cho người lớn tuổi để cầu chúc sức khỏe, bình an, mong một năm mới tất cả gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Đến với Tết Chôl Chnăm Thmây du khách được trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa phong tục tập quán mang đậm bản sắc của đồng bào Khmer.Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mang đậm nét đặc trưng nhất của văn hóa truyền thống của người Khmer. Trong ngày Tết, người Khmer diện những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ, màu sắc phong phú, nấu những món ăn, đồ cúng đặc biệt mà thường ngày không có, trai gái lên chùa cúng Phật rồi múa, hát cùng nhau.

Múa hát mừng ngày hội
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu với đồng bào, du khách trong và ngoài nước về nét đẹp lễ hội truyền thống, không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc Khmer Nam bộ. Tết Chôl Chnăm Thmây có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào Khmer vì đây vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ mới, cũng là ngày hạnh phúc tươi vui trong năm. Tết còn là cơ hội để chúng ta hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, nhằm góp phần lưu giữ, bồi đắp những nét đẹp truyền thống của nền văn hóa dân tộc Khmer. Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cũng trong dịp này, du khách tham quan có thể đến ngay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) để cùng nhau tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc tại “Ngôi nhà chung”
Thúy Nga (ảnh Minh Tiệp)