Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 tại “Ngôi nhà chung”

(LVH)- Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra vào ngày 14/4, tại không gian Chùa Khmer Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội).

Không gian Chùa Khmer Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội)

Vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, đồng bào dân tộc Khmer nói chung cũng như đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống và hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng, cứ vào mỗi dịp này họ lại tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Cũng như Tết Nguyên đán, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, có ý nghĩa mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào, là Tết chịu tuổi. Đây là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; các thành viên trong gia đình cùng tề tựu, sum họp sau những ngày tháng làm việc, lao động vất vả và động viên nhau tiếp tục cố gắng để ngày càng phát triển hơn.

Theo tiếng Khmer, “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là năm mới. Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây trở thành lễ hội truyền thống của cả cộng đồng các dân tộc trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với người Khmer, chùa là nơi để đồng bào thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp vào dịp lễ, tết. Công việc thường ngày tạm gác lại, mọi người đều tập trung vào các hoạt động ngày Tết. Vào những ngày trước Tết, nhiều gia đình đồng bào Khmer bắt đầu chuẩn bị để tiễn năm cũ đi qua, đón năm mới đến. Các hoạt động chuẩn bị đón Tết thường là sửa sang, quét dọn, trang trí lại nhà cửa chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho những ngày Tết.…

Các nhà sư, tăng ni phật tử và đồng bào đến chiêm bái và thực hiện các nghi thức đón chư thiên mừng năm mới tại Không gian Chùa Khmer Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội)

Có thể nói, Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau trong phum sóc. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau chia phúc, chúc mừng, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệp chuyện tương lai.

Nếu bạn đam mê khám phá những nghi lễ, phong tục độc đáo thì Lễ hội Chôl Chnăm Thmây chính là điểm đến mà bạn không thể bỏ qua. Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Thúy Nga