Thưởng thức âm nhạc Chăm “Tình làng gốm - nơi đất nở hoa”

(LVH) - Ngày 25-26/7, về Làng tham gia hoạt động chuyên đề “Giai điệu từ đất” đồng bào Chăm làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) không chỉ giới thiệu nghệ thuật gốm làm nên thương hiệu gốm Bàu Trúc, mà còn giới thiệu âm nhạc truyền thống độc đáo của dân tộc mình thông qua chương trình “Tình làng gốm - nơi đất nở hoa” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Nhạc cụ dân gian, vũ điệu Chăm rất phong phú và đa dạng là nhân tố quan trọng tạo nên phần hồn trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian và trong sinh hoạt cộng đồng Chăm. Trong đó, tiếng trống Paranưng, kèn Saranai, trống Ghinăng, các điệu múa đền tháp…đã tạo nên âm nhạc đặc trưng của đồng bào Chăm.

Các nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Chăm 

Nhạc cụ Chăm bao gồm bộ gõ,bộ dây và bộ hơi như trống Paranưng, trống Ghi-năng, kèn Saranai, chiêng, lục lạc, kèn ka nhi, đàn champi…theo quan niệm của người Chăm, ba nhạc cụ chủ đạo kèn Saranai, trống Paranưng, trống Ghi-năng tượng trưng cho trời đất con người nên thường được diễn tấu với nhau để thể hiện sự hòa nhập thiên địa nhân hòa.

Những điệu múa uyển chuyển, khéo léo

Về tham gia hoạt động tháng 7 “Mùa hè trong em” với hoạt động chuyên đề “Giai điệu từ đất”, đoàn đồng bào dân tộc Chăm gồm 16 người, bên cạnh nghệ nhân làm gốm thì các thành viên còn lại tham gia biểu diễn âm nhạc dân tộc mình tại không gian làng dân tộc Chăm và không gian tháp Chăm.

Đồng bào trình diễn những ca khúc dân gian Chăm

Tại chương trình “Tình làng gốm - nơi đất nở hoa”, du khách được thưởng thức vũ điệu Chăm nhịp nhàng, uyển chuyển như: điệu múa đạp lửa, điệu múa dành cho vũ sư Ka-ing trong lễ hội Rija Nagar dịp đầu năm; múa quạt cổ truyền, điệu múa lâu đời và phổ biển nhất của đồng bào Chăm; múa Dâng hoa Tháp cổ là điệu múa linh thiêng của đồng bào Chăm, là sự giao thoa giữa thế giới hiện tại và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Bên cạnh đó là tiếng rồn ràng, du dương của tiếng hòa tấu nhạc cụ Chăm trống Paranưng, trống Ghi-năng, kèn Saranai, chiêng, lục lạc, kèn ka nhi, đàn champi…và những giai điệu dân ca Chăm như “Ai kia”, “Xuân về trên Tháp cổ”, ‘Tình Làng gốm”,…

Điệu múa đạp lửa, một trong những điệu múa độc đáo của đồng bào Chăm

“Tình làng gốm - nơi đất nở hoa” đã mang âm nhạc Chăm đến gần với du khách, đến với một không khí rộn ràng, sâu lắng đậm nét văn hóa Chăm giữa không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến