Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm tại “Làng”

(LVH) - Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. Nét độc đáo của nghề làm gốm làng Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở những nơi khác, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn dân làng Bàu Trúc vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.

                                                      (Video:didulich.xpz)

Trong chuỗi hoạt động tháng 7 vừa qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đón các Nghệ nhân cùng đồng bào dân tộc Chăm đến đến từ làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) về sinh sống luân phiên tại “Ngôi Nhà chung”, họ đã giới thiệu về quy trình làm gốm Bàu Trúc và trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc mình.

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa (áo xanh) đang truyền lại nghề gốm cho cô con gái út
theo nghề làm gốm truyền thống của gia đình tại "Ngôi nhà chung"

Du khách tham quan được tận mắt chiêm ngưỡng các Nghệ nhân giới thiệu quy trình từng quy trình để tạo ra sản phẩm gốm: nguyên liệu từ đất và cách pha chế, cách nung tạo màu men, tính độc bản của từng sản phẩm... Với những nét độc đáo của nghề làm gốm là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở nhiều nơi, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với mẫu mã phong phú. “Công nghệ” làm gốm ở làng gần như không thay đổi từ xưa đến nay. Điểm khác biệt của “công nghệ” làm gốm ở đây so với mọi nơi khác chính là người thợ di chuyển vòng quanh khối đất để tạo hình sản phẩm. Qua đôi bàn tay thoăn thoắt vê, miết khối đất của nghệ nhân, dần dần chiếc bình, lọ,… để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh họ phải thực hiện qua nhiều công đoạn để có được một sản phẩm hoàn hảo.

Những ca khúc dân gian của đồng bào dân tộc Chăm được thể hiện với các điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển, đem lại không khí vui tươi cho du khách tới tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam 

Không chỉ được tìm hiểu quy trình làm gốm Bàu Trúc do đồng bào Chăm giới thiệu mà du khách còn được chiêm ngưỡng các cô gái Chăm trong chiếc áo dài truyền thống thướt tha với điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển, được hòa mình cùng tiếng trống Para nưng, kèn Sara nai,trống gri năng…

Những điệu múa với chiếc bình gốm thật khéo léo và uyển chuyển tại không gian Làng dân tộc Chăm 

Nghệ thuật chế tác gốm truyền thống của người Chăm ở làng Bàu Trúc đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng bào Chăm rất tự hào về điều này. Làng gốm Bàu Trúc đã trở thành điểm nhấn du lịch của Ninh Thuận, tạo nên nguồn thu không nhỏ cho địa phương và giúp bà con làm giàu từ nghề gốm. Vào những dịp cuối tuần du khách tham quan có thể đến ngay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng nhau chọn cho mình một vài sản phẩm làm gốm bầu trúc làm đồ lưu niệm để chiêm ngưỡng và lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc của một làng, của một nghề của những con người bình dị Làng dân tộc Chăm đang sinh sống và hoạt động tại nơi đây.

Nét văn hóa Chăm giàu đẹp với những bài hát, điệu múa về làng Chăm, về tình làng gốm,
cùng tiếng trống Paranưng, Ginăng... được thể tại không gian Tháp Chăm "Ngôi nhà chung"

 Thúy Nga