Tái hiện Lễ hội Katê và sắc màu văn hóa Chăm

(LVH) - Sáng 21/11, đồng bào dân tộc Chăm (Bình Thuận) đã tái hiện Lễ hội Katê tại Quần thể tháp Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động của đồng bào các dân tộc Việt Nam về tham dự Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2020.

Ninh Thuận là tỉnh nằm ở cực Nam Trung bộ có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống nhiều nhất trong cả nước, vì vậy văn hóa Chăm ở đây khá đậm nét, thông qua các hệ thống lễ hội, chữ viết, trang phục truyền thống, công trình kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, nghề làm gốm, dệt thổ cẩm ….

Trong hệ thống lễ hội của người Chăm như: Lễ Rija Nưgar, Lễ Chabun; Lễ Cầu đảo …. đặc biệt là lễ hội Kate, một trong những lễ hội đã tồn tại khá lâu đời trong lịch sử của người Chăm và hiện nay vẫn còn diễn ra có sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương cùng hành trình nghi lễ truyền thống tại 03 khu vực đền, tháp Chăm thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo tôn giáo đạo Bàlamôn được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm, diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp, đến xóm làng, rồi đến gia đình. Mục đích của lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Rômê, Pô Dam… và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người.

Lễ hội Katê không chỉ là lễ hội truyền thống đặc sắc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận mà đó còn là di sản chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam và của các dân tộc trên thế giới. Lễ hội Katê gắn liền với những đền tháp cổ kính - nơi ngưng đọng nét đẹp một thời của nền văn minh Chămpa rực rỡ.

Không gian Lễ hội Katê rộng, thoáng và hấp dẫn là nơi bảo tồn và gìn giữ các sắc màu văn hóa truyền thống hiện lên lung linh, sặc sỡ và trang trọng nhất, được thể hiện những món ẩm thực truyền thống, đó là lễ vật không chỉ có nét hấp dẫn ở cách bài trí bên ngoài, ở mùi vị độc đáo mà còn ẩn chứa những giá trị tinh thần sâu sắc.

Lễ hội lễ hội Katê còn được điểm tô bởi những bài thánh ca, những điệu múa dân gian hòa trong nền nhạc khi trầm khi bổng của đàn Kanhi, rộn ràng với tiếng trống Ginăng - Baranưng, thanh cao réo rắt của kèn Saranai và huyền bí của tiếng Tù và ... Katê là nơi hẹn hò của đôi trai gái, là nơi khoe sắt phục truyền thống lung linh sắc màu.

Lễ rước y trang (Rauk khan aw pô Yang)

Thành ngữ của người Chăm có câu nói: “Chăm sa-ai Raglai adei”. Nghĩa là người Chăm là người chị cả còn người Raglai con gái út trong gia đình. Theo quy định của luật tục, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phượng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phượng ông bà, tổ tiên và thần linh. Do vậy khi đến ngày lễ Katê thì người Chăm phải làm lễ đón rước y trang do người Raglai chuyển về lại các đền tháp Chăm. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra rất trọng thể.

Trong lễ rước y trang, đoàn người Raglai tập trung đầy đủ, ông Từ giữ đền dâng cúng lễ vật như rượu, trứng,... xin phép Thần cho rước y trang về các đền tháp cúng lễ. Đoàn người rước y trang được sắp xếp như sau: dẫn đầu là 05 đến 06 người Raglai; tiếp đến là Cả sư chủ trì đền tháp; Thầy kéo đàn kanhi; Bà bóng; đội vũ nhạc; ở giữa là kiệu khiêng y phục của vua; hai bên là những thanh niên cầm cờ và những người phụ lễ đi theo. Đoàn rước đi trên con đường dài từ đền thờ làng đến tháp Pô Klong Garai. Đoàn rước lễ có đội múa quạt tập thể trong tiếng trống Ginăng, kèn Saranai... Khi đoàn trước kiệu vua Pô Klong Garai về đến tháp thì đội múa lễ của đoàn múa mừng trước tháp. Đây cũng là điệu múa mừng khi kết thúc một công đoạn trong nghi thức hành lễ của người Chăm.

Lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang)

Sau khi y trang đưa về đến tháp, các tu sĩ xin phép thần Siva làm lễ mở cửa tháp, lễ này được diễn ra trước cửa tháp, được Cả sư và ông từ điều hành. Trong không khí trang nghiêm ông từ đọc cầu lễ thần linh như sau:

"Chúng con lấy nước từ sông lớn,
Chúng con đội nước về tháp tắm thần
Chúng con lấy những tắm khăn dệt đẹp nhất,
Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần"

Sau khi đọc xong lời cầu nguyện ông từ cầm lọ nước tắm thần tạt lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính của tháp. Tiếp đó, Thầy kéo đàn Kanhi và Bà bóng tiến đến trước cửa tháp chính ngồi bên tượng bò thần Nadin để hát xin lễ mở cửa tháp. Lời hát lễ có đoạn sau:

"Hãy xong hương trầm bằng lửa thiêng,
hương trầm của người trần dâng lễ
Hương trầm bay tỏa ngát không gian,
chúng con xin mở cửa tháp cúng thần"

Khi đoạn hát kết thúc, thì đoàn lễ tiến vào tháp, Bà bóng và ông Từ bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm tỏa ra nghi ngút. Lễ mở cửa tháp kết thúc.

Lễ tắm tượng Thần (Mưnay Yang)

Lễ tắm tượng thần được diễn ra bên trong tháp. Lễ này được thực hành gồm thầy Cả sư, Thầy kéo đàn Kanhi, Bà bóng, ông Từ và một số tín đồ thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ, xung quanh bệ thờ thần thì bà bóng rót rượu dâng lễ, thầy kéo đàn kanhi bắt đầu hát lễ theo. Bài hát lễ tắm thần có đoạn:

"Chúng con mang nước này từ sông thiêng,
xin tắm, gội đầu, rửa tay chân cho thần
Chúng con lấy nước từ sông thiêng,
Xin tắm và lấy khăn lau mình thần
Thần đã về trời lâu ngày,
Hôm nay mới đến phù hộ độ trì chúng con."

Lễ mặc y trang cho Thần (Angui khan aw Yang)

Sau khi lễ tắm tượng thần kết thúc tiếp đến nghi lễ mặc y trang cho thần. Lễ thức được tiến hành theo lời bài hát thánh ca của thầy Kanhi. Lời bài hát đến đâu thì y trang Thần được mặc vào đến đó. Đầu tiên là lễ mặc váy, áo, khăn đội, thắt dây lưng, rồi mang giầy, đội mão... Lời thầy hát lễ như sau:

"Nghe tiếng thác đổ trên núi cao,
Thần Pô Klong Garai mặc váy viền hoa về dự lễ
Tiếng thác đổ xuống rì rào,
Thần Pô Klong Garai mặc áo bào về dự lễ
Tiếng thác đổ xuống vịnh sâu,
Thần Pô Klong Garai đội mão vàng về dự lễ."

Đại lễ (Mưliêng Yang)

Sau khi kết thúc lễ mặc y trang hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình bộ long bào lộng lẫy, thì cũng là lúc vật dâng cúng được bày ra trước bệ thờ. Đại lễ bắt đầu, lúc này Cả sư làm chủ điều khiển nghi lễ, Bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn Kanhi hát mời các vị thần về dự lễ. Các vị thần mời là các vị thần có công với dân với nước được người dân ngưỡng mộ suy tôn. Cứ như thế thầy kéo đàn kanhi mời trên 30 vị thần về dự lễ. Mỗi vị thần được mời về dự thì bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn kanhi hát bài thánh ca, bà con dự lễ chấp tay cầu thần phù hộ độ trì cho họ sức khỏe, mùa màng. 

Thầy kéo đàn Rabap hát mời trên 20 vị thần về dự, mỗi vị thần là một bài hát lễ. Thầy Cả sư thì làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng.

Kết thúc phần Đại lễ là những điệu trống ghinăng, kèn saranai cùng vang lên: Múa dâng ngày hội, Tiếng trống hội Katê và Múa quạt truyền thống.

Hội Katê tại "Ngôi nhà chung" đã thu hút rất đông các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương tới xem và thưởng thức những điệu múa truyền thống uyển chuyển trên nền các nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Chăm; những âm thanh rộn ràng của tiếng trống Ginăng thôi thúc, tiếng kèn Saranai da diết, cùng các nhạc cụ khác đã góp phần tạo nên không khí tưng bừng tại không gian tháp Chăm, Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ánh Ngọc