Không gian văn hóa Tà Ôi hiện hữu tại “Ngôi nhà chung”

(LVH) - Làng dân tộc Tà Ôi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là không gian tái hiện đầy đủ khung cảnh một ngôi làng truyền thống của dân tộc Tà Ôi với nhà sàn, nhà rông…cùng với đồng bào dân tộc Tà Ôi đang sinh sống nơi đây góp phần đem đến một không gian văn hóa sinh động, đa sắc màu tại "Ngôi nhà chung".

Làng dân tộc Tà Ôi thuộc Khu các làng dân tộc II - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Diện tích khu vực xây dựng: 4.428m2, diện tích công trình xây dựng 238m2, diện tích sàn 276m2, bao gồm: một nhà rông (diện tích 66m2,); hai nhà sàn (diện tích 72m2); bến thuyền (100m2).

Nhà rông Tà Ôi có nét giống với nhà rông nhóm Triêng của dân tộc Giẻ Triêng, là công trình kiến trúc độc đáo, có kiến trúc rất riêng biệt, cầu thang ở hai chái được liên kết với các trụ chái có hình bán nguyệt nên cầu thang không vuông góc với trục chính của nhà, có hai cửa đi ở hai thu hồi và nhiều cửa sổ ở hai trục dọc.

Nhà rông Tà Ôi

Trước kia, nhà ở của người Tà Ôi là nhà dài, là ngôi nhà dành cho gia đình lớn. Ngày nay, nhà của người Tà Ôi là nhà sàn ngắn dành cho các gia đình nhỏ. Cấu trúc và không gian ngôi nhà sàn ngắn khá đơn giản. Kiến trúc nhà ở của người Tà Ôi có nhiều điểm giống với nhà rông. Nhà ở của người Tà Ôi là nhà sàn, mái tròn, sàn nhà không cao (khoảng 0,8m - 1m), có hai cầu thang ở hai đầu hồi, cầu thang chính gầm với không gian tiếp khách và sinh hoạt chung ở bên phải, cầu thang phụ ở bên trái gầm với bếp lửa. Cầu thang lát bằng gỗ, là một thân gỗ lớn đẽo thành hoặc hai thanh gỗ được đục lỗ rồi xiên các thanh ngang làm bậc cấp.

Không gian làng dân tộc Tà Ôi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Mái nhà người Tà Ôi có độ dốc lớn, chủ yếu lợp bằng tranh, sườn mái làm bằng tre, nứa. Ngoài hai cửa đi ở hai đầu hồi, người ta còn bố trí cửa sổ ở trục còn lại của ngôi nhà. Ở hai góc đỉnh mái người ta trang trí hai tượng nhỏ bằng gỗ hình đầu chim cu gọi là “khâu cụt”.

Do đặc điểm địa lý, cuộc sống của người Tà Ôi gắn liền với bến thuyền. Thực ra, người Tà Ôi vẫn quen với chiếc bè được kết từ nứa, tre. Bến thuyền và chiếc bè gắn liền với sử thi của họ. Bến thuyền đặt ở lối vào làng. Nước được bơm tuần hoàn lên điểm cao trên sườn núi, rồi dẫn lại bến nước.

Đồng bào Tà Ôi tổ chức lễ cầu mùa

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế) đã luân phiên về tham gia hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, giới thiệu, quảng bá văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc anh em và đông đảo du khách tham quan. Tại đây, đồng bào đã tổ chức tái hiện Lễ mừng nhà mới; lễ cúng nhà mồ; nghi lễ đặt tên họ Hồ; lễ gieo hạt; lễ cưới truyền thống; lễ hội cầu mùa; Tục đi sim,…

Tơ chức tái hiện lễ cưới truyền thống

Bên cạch đó, giới thiệu nét đẹp trong trang phục truyền thống qua họa tiết, hoa văn, màu sắc thể hiện sự khéo léo của phụ nữ Tà Ôi, trong đó, dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong kho tàng văn hóai à Ôi. Ẩm thực như adeep ihoat (xôi hông), adeep ihoor (xôi thui ống, cơm lam), hai món bánh đặc trưng được người Tà Ôi trân trọng là akoat (bánh sừng hay còn gọi là bánh “tình yêu”) và adeep man (bánh nếp vừng). Nhạc cụ có cồng, chiêng, tù và, khèn, sáo, nhị, đàn ta lư...

Phụ nữ Tà Ôi đệt Zèng

Không gian văn hóa Tà Ôi mang đến những nét đặc trưng, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt, thể hiện nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, cùng hiện hữu và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến