Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy - đặc sắc nét sinh hoạt văn hóa của người Thái
(LVH) - Sáng ngày 17/4, đồng bào dân tộc Thái đến từ xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá đã tái hiện Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy tại không gian nhà dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ ngày 16/4 - 19/4/2022.
Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là nét sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái sáng tạo từ lâu đời, nó được các thế hệ người Thái nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đến nay đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn. Ở đây có sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp: Hát, múa, trình diễn nhạc cụ... Vì thế mà có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống dân tộc Thái.
Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là lễ tế thần linh: mường trời, thổ địa, thần núi, thần sông, thần Hoàng. Làm lễ cơm mới, lễ cầu may, cầu mát, giải hạn, cầu lành và chữa bệnh cho người dân. Tổ chức chơi bói hoa, mô phỏng một số trò chơi dân gian trong lao động sản xuất, nhằm phản ánh và tái hiện lại đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái thời xa xưa và cũng là để bày tỏ những khát vọng, mơ ước về cuộc sống bình yên, sung túc, xua đi những nhọc nhằn vất vả, lo toan trong cuộc sống hiện tại. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần đặc sắc, một bức tranh đa sắc màu của cộng đồng người Thái xứ Thanh. Góp phần vào xây dựng cho nền văn hóa Việt Nam thêm đậm đà bản sắc dân tộc.
Các đồ lễ được thờ cúng trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã phản ánh loại hình nghệ thuật ẩm thực đặc thù của cộng đồng cư dân người Thái. Ở đó có sự góp mặt của nhiều loại sản vật truyền thống từ nông nghiệp trồng trọt đến chăn nuôi, săn bắt, hái lượm. Đặc biệt việc hái thuốc chữa bệnh có ý nghĩa thiết thực trong đời sống của đồng bào. Các loại cây rừng, lá rừng, củ rừng... được người xưa khai thác để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, ngoài ra còn có giá trị làm phong phú thêm nền y học cổ truyền của dân tộc.
Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy còn có sức hấp dẫn với bao thế hệ người Thái, nhờ sự đóng góp của nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp, tạo nên một hình thái văn hóa nghệ thuật độc đáo. Thông qua lễ tục này, toàn bộ đời sống của đồng bào được tái hiện, gồm: Văn hóa sản xuất (các hoạt động kinh tế), văn hóa ứng xử tín ngưỡng (phong tục, tập quán, quan hệ ứng xử) và các mối quan hệ về tự nhiên, xã hội, con người. Vì vậy, lễ tục này thực chất là một giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, nó ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản làng.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào Thái:






Ánh Ngọc