Tái hiện Lễ đón dâu của dân tộc Dao đỏ huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

(LVH) - Sáng 2/9, đồng bào dân tộc Dao đỏ đến từ xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã tái hiện lễ đón dâu trong đám cưới của dân tộc mình tại không gian làng dân tộc Dao, đây là một trong những hoạt động “Vui Tết độc lập” nhân dịp Quốc khánh 2/9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Ngày nay, những nghi thức, nghi lễ trong đám cưới cổ truyền vẫn được đồng bào Dao đỏ ở Tuyên Quang lưu truyền, là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao đỏ, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử.

Lễ đón dâu được tái hiện tại không gian làng dân tộc Dao do tốp nghệ nhân gia đình Phàn Văn Phú đến từ xã Tân Thành huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thực hiện. Đồng bào Dao đỏ chuẩn bị lễ vật đón dâu gồm có: 20 lít rượu, 2 đôi gà, 20 cân gạo, 30 cân thịt lợn.

 Thầy cúng báo cáo thần linh, thổ địa, tổ tiên để xin phép trước khi đoàn nhà trai sang nhà gái xin dâu

Trước khi sang nhà gái xin dâu, thầy cúng báo cáo thần linh, thổ địa, tổ tiên để xin phép. Sau đó, đoàn nhà trai gồm đội nhạc lễ và các thành viên trong gia đình sẽ sang nhà gái xin dâu.

 
Đoàn nhà trai gồm đội nhạc lễ và các thành viên trong gia đình sang nhà gái xin dâu
 

Đến cổng nhà gái, nhà trai sẽ có lời thưa rằng: "Hôm nay ngày lành tháng tốt, cây đã đến kỳ nở hoa, con chim đòi làm cái tổ, bên nhà trai hôm nay đem lễ vật là 20 lít rượu, 2 đôi gà, 20 cân gạo, 30 cân thịt lợn, để xin được đón đứa con dâu, lễ vật đã đủ rồi, mong ông bà cho đón cháu về với nhà trai chúng tôi".

Đoàn nhà gái đón đoàn nhà trai đến xin dâu

Nhà gái đáp lại, chúng tôi đồng ý, xin dặn cháu đôi lời: "Từ nay là vợ chồng, hai người phải biết yêu thương nhau, phải biết kính trọng ông bà bố mẹ, không được núi này trông núi khác".

Được sự đồng ý của nhà gái, đoàn rước dâu về nhà trai trong tiếng kèn của đội nhạc lễ với các bài ca mừng cưới theo nhịp điệu vui vẻ. Cô dâu mặc trang phục truyền thống trên đầu trùm khăn cưới hình mái nhà, cổ và vòng tay đeo vòng bạc, phù dâu đi bên cạnh che ô và phụ giúp cô dâu trong quá trình hành lễ từ nhà gái sang nhà trai.

Thầy cúng sẽ làm phép gột rửa những điều không may mắn cho cô dâu trước khi bước vào nhà chồng

Theo phong tục của người Dao đỏ, khi đến nhà trai, cô dâu chú rể chưa được vào nhà ngay, phải đợi giờ tốt, đợi thầy cúng làm lễ thì mới được vào nhà chính. Thầy cúng sẽ làm phép gột rửa những điều không may mắn cho cô dâu trước khi bước vào nhà chồng. Đến giờ tốt, thầy tào cúng báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu đã chính thức trở thành con cháu trong gia đình. Cô dâu chú rể quỳ trước bàn thờ nhận hai chén rượu hồng.

Khi các nghi lễ được tổ chức xong xuôi, cô dâu chú rể vào nhà quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, nhận chén rượu và trang sức vàng bạc do cha mẹ chồng trao tặng. Hình ảnh hai vợ chồng trẻ buộc dải khăn đỏ thể hiện sợi dây tơ hồng gắn kết tình yêu của họ, như lời chúc phúc cho cuộc sống hạnh phúc bền lâu.

Đến giờ tốt, thầy tào cúng báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu đã chính thức trở thành con cháu trong gia đình

Cô dâu chú rể quỳ trước bàn thờ nhận hai chén rượu hồng

Trong lúc đó, ông mối, bà mối hai bên hát đối đáp, răn dạy cô gái khi về làm dâu. Sau khi nhà trai đón cô dâu về nhà thì các thành viên của hai gia đình dự bữa cơm thân mật, uống chén rượu mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, mọi người quây quần trong không khí vui tươi.

Ông mối, bà mối hai bên hát đối đáp, răn dạy cô gái khi về làm dâu

Cô dâu chú rể hạnh phúc rạng rỡ

Nghi lễ đón dâu trong đám cưới của người Dao đỏ thể hiện một đám cưới mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng trong đó những giá trị nhân văn sâu sắc, một nét đẹp văn hóa đã và đang được đồng bào Dao đỏ ở Tuyên Quang gìn giữ và phát huy.

Nhiều đoàn du khách đã đến không gian làng dân tộc Dao để theo dõi nghi lễ đón dâu

Từ sớm rất đông du khách đã đến không gian làng dân tộc Dao để theo dõi nghi lễ đón dâu của đồng bào Dao đỏ, đây cũng là dịp du khách được tiếp cận gần hơn, hiểu biết thêm về văn hóa độc đáo của dân tộc Dao đỏ nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung do chính chủ thể văn hóa giới thiệu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến