Sắc màu văn hóa Chăm tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

(LVH) - Về tham gia Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” từ 11-12/2, văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Chăm đã được đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận giới thiệu tại không gian quần thể tháp Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) thông qua tái hiện Lễ hội Katê, giới thiệu nghệ thuật gốm Bàu Trúc, nghề dệt Mỹ Nghiệp, trình diễn dân ca dân vũ.

Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức Lễ mặc y trang cho Thần (Angui khan aw Yang) và đại lễ trong Lễ hội Katê

Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", đồng bào Chăm đã tái hiện trích đoạn Lễ hội Katê - đây là lễ hội truyền thống đặc sắc của người Chăm được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm, nhằm tưởng nhớ các vị thần như Pô Klong Garai, Pô Rômê, Pô Dam…và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người.

Hai nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc trình diễn nghệ thuật làm gốm

Tại Ngày hội, nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đã giới thiệu nghệ thuật làm gốm độc đáo, riêng có của người Chăm. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (29/11/2022). Nghề làm gốm Chăm truyền thống hiện nay còn chủ yếu ở Bàu Trúc (Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận) và làng Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay. Làng Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa, đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.

Làng dệt cổ Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm. Biểu tượng hoa văn trên vải thổ cẩm thể hiện triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo, sự sáng tạo mỹ thuật của đồng bào Chăm. Sản phẩm dệt truyền thống ở làng Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt bởi hoa văn độc đáo, sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại.

Nghệ nhân làng dệt Mỹ Nghiệp bên khung dệt

Tiếng trống Paranưng, kèn Saranai, trống Ghinăng, các điệu múa đền tháp…đã tạo nên âm nhạc đặc trưng của đồng bào Chăm. Đây thực sự là những tinh hoa trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm.

Đồng bào Chăm trình diễn với các nhạc cụ truyền thống

Các vũ điệu dân gian đặc sắc này không chỉ diễn ra trên các đền tháp mà được các nghệ nhân dân tộc Chăm tái hiện trong các hội diễn sân khấu hóa, giao lưu văn hóa, ngày hội văn hóa dân tộc Chăm. 

Điệu múa của phụ nữ Chăm trên đền tháp

Đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận đã mang đến cho du khách tham quan một không gian vừa rộn ràng, sôi nổi của các loại nhạc cụ kết hợp với những vũ điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng, vừa huyền bí của các nghi lễ và vừa có sự trường tồn của các nghề thủ công truyền thống, những giá trị văn hóa độc đáo, đắc sắc đó đã và đang được đồng bào Chăm bảo tồn, gìn giữ, phát huy, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Chăm nói riêng và văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến