Giới thiệu “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(LVH) - Ngày 11/2, trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2023 tại không gian Làng dân tộc Thái, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đoàn Nghệ thuật quần chúng dân tộc Thái, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật xòe Thái” đến đông đảo du khách tham quan.


Tiết mục giới thiệu các động tác xòe Sơn La và một số động tác xòe tiêu biểu của động bào dân tộc Thái huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Đến với Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái mang tới đây điệu xòe đặc trưng của tỉnh Sơn La như: Xòe nâng khăn mời rượu; Xòe bổ bốn; Xòe tiến lùi; Xòe tung khăn; Xòe vỗ tay múa vòng tròn.

Xòe là hình thức dân vũ tập thể, là nét sinh hoạt vui chơi của dân tộc Thái. Không kể già, trẻ, gái trai ai cũng có thể tham gia xòe. Khi tiếng trống, chiêng nổi lên như lời mời gọi, thúc giục, mọi người đều cùng nhau say sưa trong điệu xoè. Tay nắm tay, vai kề vai, nhẹ nhàng, uyển chuyển trong không khí ấm áp, bên ánh lửa bập bùng và ngây ngất trong men say rượu cần. Người Thái vẫn có câu “Không xòe, hoa không nở, cây lúa không trổ bông, cây ngô không ra bắp. Không xòe người không vui, trai gái không thành đôi”.

 

Tiết mục ơn Đảng, ơn Bác Hồ

Cho đến nay, hầu hết các cộng đồng người Thái tại địa bàn tỉnh Sơn La vẫn thường xuyên tổ chức múa xoè và các dịp lễ, tết, các ngày hội văn hóa... Xòe Thái đã trở thành nét văn hóa đặc trưng không chỉ riêng của cộng đồng người Thái mà còn của cả các dân tộc tỉnh Sơn La. Điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa. Đó là tiếng lòng của bà con gửi gắm trong điệu múa uyển chuyển giữa non ngàn Sơn La.

Một số hình ảnh trong Chương trình biểu diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật xòe Thái”

 

Tiết mục múa Tiếng nhạc gọi trăng

















Vũ điệu kết đoàn là một tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa của 12 dân tộc cư trú tại tỉnh Sơn La và sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác trong vùng Tây Bắc.

Thúy Nga