Lễ Kết nghĩa anh em dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk)

(LVH) - Sáng 23/6, đồng bào dân tộc Ê Đê đã tổ chức tái hiện Lễ kết nghĩa anh em theo truyền thống của dân tộc mình, đây là một trong những chương trình của đồng bào các dân tộc thuộc hoạt động tháng 6 “Lời ru từ đại ngàn Tây Nguyên” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Lễ kết nghĩa anh em được thực hiện bởi Già làng, thầy cúng và người tham gia nghi lễ là Ông Y Drao Niê ở Buôn Cuôr Đăng A kết nghĩa với Ông Y Ngoan E ban ở buôn Kroa C đến từ huyện Cư M’gar, Tỉnh Đắk Lắk.

Ông Y Drao Niê ở Buôn Cuôr Đăng A và ông Y Ngoan E ban ở buôn Kroa C tham gia kết nghĩa

Lễ vật chuẩn bị gồm: có 1 cây nêu, 3 ché rượu, 1 con heo, 1 con gà trống, 7 chiếc vòng,… Những người tham dự lễ là họ hàng, người thân của hai người kết nghĩa với nhau và dân làng.

Theo truyền thống người được kết nghĩa phải có mặt sớm khoảng 5 giờ sáng, để chủ nhà mổ heo và chuẩn bị buộc ché rượu (trường hợp người được kết nghĩa chưa có mặt chủ nhà chưa được làm bất cứ việc gì).

Thầy cúng thực hiện nghi lễ báo cáo thần linh

Người lớn tuổi trong dòng họ (tức chủ lễ bên họ Niê) tổ chức. Buổi lễ tiến hành, bước đầu cồng chiêng tấu một hồi, chiêng dừng, chủ lễ bước ra, mời hai vợ chồng ra trước cây nêu và hỏi hai người có đồng ý kết nghĩa không. Khi hai người đồng ý, chủ lễ mời thầy cúng tiến hành nghi thức lễ.

Người nhà (là người chị người vợ) mang con gà vào (gà còn sống), rửa chân và đầu gà, sau đó đưa ông thầy cúng, thầy cúng đưa cho 2 người tham gia kết nghĩa mỗi người một cây nến tượng trưng cho máu dòng họ Niê và E ban sẽ hòa nhập với nhau thành máu dòng họ Niê, như là một anh em ruột thịt, sau này họ là người anh em sống khổ, vui buồn có nhau, ai đều có trách nhiệm với nhau trong mọi công việc trong cuộc sống đến đời con, đời chúa sau này.

Thầy cúng trao vòng cho 2 người tham gia kết nghĩa

Tiếp đó, Thầy cúng khấn báo cho các thần linh với nội dung: “Ơ Yang… ơi, Yang trời, Yang đất, Yang núi, Yang sông, Yang bên Đông, Yang bên Tây hãy về đây chứng giám cho lễ kết nghĩa gia đình (vợ chồng) nhà dòng họ Niê dân tộc Ê đê này kết nghĩa với hai người kia dòng họ E ban, sau ba cái mùa rẫy quen biết nhau hai bên đã thật sự tốt cái bụng với nhau và muốn kết nghĩa làm anh em, hôm nay làm lễ bẩm báo với các Yang, với ông bà tổ tiên biết, với mọi người, kể từ nay cho đến hết cuộc đời, đến hơi thở cuối cùng, mãi mãi là anh em một nhà, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau…ơ Yang…”.

Đại diện gia đình hai bên trao vòng cho 2 người

Sau đó, thầy cúng dẫn 2 người đến bên ché rượu trao cần rượu cho nhau và cầm vòng tay đứng gần hai người với lời khấn như sau:
“…Ơi yang… Này dòng họ Niê kết nghĩa với dòng họ Ê ban!Thương nhau cho đến chết, uống rượu cần cho đến lạt, Đánh cồng chiêng cho đến lúc già làng bảo thôi, Kể từ nay hai người trở thành anh em một nhà, phải thương yêu, bảo ban nhau làm ăn, có việc gì khó phải giúp nhau, không được chia rẽ, có vui cùng hưởng, có họa cùng lo, cùng nhau làm ăn tiến bộ và xây dựng buôn làng ấm no”.

Thầy cúng mời thức ăn, rượu 2 bên kết nghĩa

Thầy cúng trao vòng cho gia đình dòng họ Niê, dặn dò hai người, 2 bên kết nghĩa sẽ được chủ lễ mời uống rượu trước, tiếp đến mời mẹ của 2 bên để tỏ lòng thân thiết, tiếp đến là những người trong gia đình, họ hàng và làng xóm dòng họ Niê trao công.

Người Ê đê theo chế độ mẫu hệ, nên chủ nhà là người phụ nữ cầm cân trước, rồi đến đàn ông trong gia đình và dòng họ. Thịt gà làm xong, bộ lòng của con gà được cho là quý nhất sẽ dành cho hai anh chị kết nghĩa, thầy cúng được phần cái đầu và 1 đùi gà, phần còn lại của con gà là mời gia đình, họ hàng và làng xóm cùng với rượu.

Mọi người tham gia nghi lễ cùng thưởng thức rượu cần

Thầy cúng tiếp tục dặn dò 2 bên về cuộc sống sau này, luôn yêu thương nhau, 2 người đã trở thành anh em một ruột, như anh em trong nhà, mộ dòng họ, có lời cúng như sau:

“Ơi yang….Báo cáo các Thần Trời, Thần Đất kể từ buổi lễ này hai người chúng tôi thành một dòng máu, như anh em ruột thịt. Chúng tôi phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau và bảo vệ nhau đến đời con, đời cháu mai sau. Không bên nào được làm hại bên nào. Nếu người nào rắp tâm làm hại bạn mình thì Thần Trời, Thần Đất trừng phạt...”.

Lễ kết nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt được dân tộc Ê Đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, việc kết nghĩa được làm hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi, mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa thân thiết, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn, để xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp.

Ngay sau lễ kết nghĩa anh em dân tộc Ê Đê, đại diện cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động tại Làng cùng nhau thực hiện nghi lễ kết nghĩa anh em   

Cùng nhau nắm tay thể hiện sự đoàn kết, gắn bó như anh em một nhà của cộng đồng các dân tộc tại "Ngôi nhà chung"

Sau khi Lễ kết nghĩa anh em dân tộc Ê Đê kết thúc, đại diện các nhóm đồng bào Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” gồm: ông Viên Đăng Minh đại diện dân tộc Tà Ôi; ông Nguyễn Văn Việt đại diện dân tộc Cơ Tu; ông Chamelea Dấp đại diện dân tộc Raglai và bà H’Lăk dân tộc Ê Đê đã cùng thực hiện nghi lễ kết nghĩa anh em, thể hiện cộng đồng các dân tộc luôn đoàn kết, coi nhau như anh em một nhà cùng sinh sống, giao lưu và giới thiệu văn hóa của dân tộc mình tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến