Tái hiện Lễ cúng cơm mới của dân tộc Ê Đê tại “Ngôi nhà chung” 

(LVH) - Sáng ngày 27/9, đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk, đã tái hiện Lễ cúng cơm mới của đồng bào tại không gian làng dân tộc Ê Đê, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội). 

Để chuẩn bị cho lễ hội mừng cơm mới, đồng bào dân đã dậy từ rất sớm để giã gạo, nấu cơm, chuẩn bị rượu cần, mổ heo, gà…

Đồng bào dân tộc Ê Đê có hệ thống lễ hội phong phú, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong đó, về sản xuất nông nghiệp có rất nhiều loại lễ: lễ khi làm đất, lễ khi làm rẫy và thu hoạch lúa rẫy, lễ cúng thần gió, lễ cúng thần cào cỏ, lễ trỉa lúa, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa vào kho… thể hiện phong tục, tập quán trong canh tác nương rẫy, tạ ơn các vị thần linh của núi rừng và cầu mong một vụ mùa bội thu, nhà nhà no đủ, buôn làng bình yên, giàu đẹp.

Đồng bào Ê Đê thực hiện các nghi lễ 

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Ê Đê, sau khi mùa màng đã xong, thóc lúa phơi đầy sân cũng là lúc đồng bào dân tộc Ê Đê náo nức với lễ hội mừng cơm mới. Sau khi lúa đưa về nhà phải đem gạo mới nấu thành cơm cúng thần linh để báo cáo những thành quả lao động trong năm vừa qua, cảm tạ đất trời, ông bà tổ tiên đã cho một mùa màng bội thu, cây trái xanh tươi và cầu mong các thần linh tiếp tục phù hộ cho mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, gia đình sung túc. Với ý nghĩa tâm linh đó, dù được mùa hay mất mùa, mỗi gia đình Êđê đều làm lễ cúng cơm mới để cảm tạ thần linh.

Thầy cúng tiến hành làm lễ cúng ngoài trời theo phong tục

Để chuẩn bị cho lễ hội mừng cơm mới, đồng bào dân đã dậy từ rất sớm để giã gạo nấu cơm, chuẩn bị rượu cần, mổ heo, gà… Sau khi lễ vật được bày biện đầy đủ, thầy cúng tiến hành làm lễ cúng. Trong bộ lễ phục chỉnh tề, thầy cúng đại diện cho người dân trong buôn đọc lời khấn cúng thần linh, cúng cơm mới và cúng sức khỏe. Khi nghi lễ cúng kết thúc, tiếng chiêng vang lên cũng là lúc bắt đầu cuộc vui rộn ràng. Người dân buôn trong trang phục truyền thống không phân biệt già trẻ, lớn bé, ngồi quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần làm từ hạt lúa mới và chúc nhau những điều tốt lành.

....các nghi thức trong buổi Lễ cúng cơm mới

Trong gia đình của đồng bào dân tộc Ê Đê đang hoạt động hàng ngày tại Làng cũng vậy, theo truyền thống dân tộc hôm nay gia đình đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, chủ nhà mời người anh em kết nghĩa đồng bào Gia Rai huyện Iapa tỉnh Gia Lai để bàn bạc và phân công việc để tổ chức lễ mừng cơm mới này thể hiện lòng yêu quý con cháu, tôn kính những người có công trong họ tộc và kính mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh.

Thầy cúng thực hiện các nghi lễ trong nhà

Có thể nói đây không chỉ là nghi lễ truyền thống nhằm tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết mà còn là dịp để người Ê Đê được vui chơi, hưởng thụ thành quả sau một mùa vụ lao động vất vả, từ đó giáo dục con cháu luôn nhớ về cội nguồn”. Lễ cúng cơm mới là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Ê Đê. Do đó, để công tác bảo tồn, phục dựng lễ cúng được hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, tất cả mọi quy trình, kịch bản phục dựng, kế hoạch tổ chức lễ cúng đều được Ban Tổ chức tìm hiểu, tham khảo ý kiến những người cao tuổi có uy tín và am hiểu phong tục tập quán, văn hóa dân tộc.

Một số hình ảnh trong buổi Lễ cúng cơm mới tại "Làng":

Thầy cúng tiến hành làm lễ cúng trong nhà

 

    

Sau phần Lễ, đến phần hội các đồng dân tộc đang hoạt động tại "Ngôi nhà chung" cùng nhau cất vang lời ca, tiếng hát, điệu múa giao lưu cùng du khách tham quan

Thúy Nga (ảnh KCLDT)